Tu bổ, cải tạo hạ tầng kỹ thuật tại khu Di tích Hàm Rồng
Quần thể di tích Hàm Rồng gồm: cầu Hàm Rồng, núi Hàm Rồng và Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng. Bao quanh núi là những thung lũng trù phú. Cùng với đó, cánh đồng thông xanh ngút tầm mắt cũng tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Với đặc điểm địa hình hiểm trở, trong những năm tháng chiến tranh, Hàm Rồng đã trở thành trận địa phòng không vững chắc. Hiện tại, Hàm Rồng là địa điểm tham quan nổi tiếng, thu hút rất đông khách du lịch.
Cầu Hàm Rồng. |
Theo văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, cải tạo hạ tầng kỹ thuật và xây dựng địa điểm đón tiếp, tham quan du lịch tại cầu Hàm Rồng và động Long Quang; xây dựng đường hoa từ cầu Hàm Rồng đến động Tiên Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gồm các hạng mục: làm mới 1 bia dẫn tích động Long Quang, 2 bia dịch thơ vua Lê Thánh Tông và vua Lê Hiến Tông trong động Long Quang; xây dựng điểm đón tiếp tại chân động Long Quang; đường hoa trang trí khu vực Trung tâm hội nghị Hàm Rồng.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Bổ sung Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/02/1975 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Khu di tích lịch sử Hàm Rồng trong mục cơ sở pháp lý của Thuyết minh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Đồng thời, đề nghị không trang trí chạm khắc cầu kỳ ở bệ các bia.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chuyên môn liên quan gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công để lưu giữ theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến để UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung Báo cáo kinh tế-kỹ thuật tại di tích để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.