Từ 01/3/2018, nhiều chính sách mới về y tế, BHXH, BHYT có hiệu lực
Áp dụng cách kê đơn thuốc mới
(Ảnh minh họa: Internet)
Bộ Y tế ban hành Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Theo đó, cách kê đơn thuốc có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Việc kê đơn phải đạt mục tiêu an toàn, hiệu quả, ưu tiên kê dạng đơn chất hoặc thuốc generic;
Việc kê đơn phải phù hợp với các tài liệu: Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và điều 6 Thông tư 21/2013/TT-BYT; tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm; dược thư quốc gia Việt Nam;
Với người bệnh khám từ 3 khoa trở lên thì trưởng khoa, người phụ trách chuyên môn trực tiếp kê đơn hoặc phân công bác sỹ có chuyên khoa kê đơn;
Bác sĩ, y sĩ tuyến 4 được khám chữa bệnh đa khoa và kê đơn điều trị của tất cả chuyên khoa thuộc danh mục kỹ thuật tuyến 4;
Trường hợp cấp cứu thì bác sĩ, y sĩ kê đơn để xử lý cấp cứu phù hợp với tình trạng bệnh nhân;
Về nội dung đơn thuốc: nếu đơn thuốc có độc phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác; thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại; đơn thuốc được kê trên máy tính 1 lần và lưu trên phần mềm tại cơ sở khám chữa bệnh.
Đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng phải ghi thông tin của bố mẹ
Theo quy định mới, đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng buộc phải có số CNMD hoặc thẻ căn cước của cha mẹ trẻ. (Ảnh minh họa: Châu Anh)
Cũng theo Thông tư 52/2017/TT-BYT, đơn thuốc điều trị ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc.
Thông tư này cũng quy định, cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu bản chính hoặc bản sao đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc lưu thông tin về đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus, gồm: tên, địa chỉ cơ sở khám, chữa bệnh; tên người kê đơn, người bệnh; tên thuốc… trong 01 năm. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không dùng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho nơi đã cấp hoặc bán thuốc.
Các trường hợp được hưởng BHXH một lần
Có hiệu lực từ ngày 01/3/2018, Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế quy định các bệnh được hưởng chế độ BHXH 1 lần gồm: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Ngoài ra, các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát, hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Theo quy định tại Thông tư, mỗi lần khám người bệnh chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về hồ sơ khám giám định lần đầu do tai nạn lao động, gồm: Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động (Theo mẫu Phụ lục 1) hoặc Giấy đề nghị khám giám định (theo mẫu Phụ lục 2 đính kèm Thông tư 56); bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu tại Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28/9/2001; bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động (Theo mẫu Phụ lục 7 kèm theo Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012); Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án; một trong các giấy tờ có dán ảnh như: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng dấu giáp lai.
Bệnh viện phát thuốc hàng ngày, bệnh nhân phải ký nhận
(Ảnh minh họa: Innternet)
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Cụ thể, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người điều trị bệnh nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ý nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.
Trường hợp chuyển tuyến, bệnh viện phải chuyển các phim chuẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện tương ứng với phim được chuyển và lưu cùng hồ sơ bệnh án.
Thông tư được ban hành ngày 28/12/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Minh Thu (t/h)