T.T. Huế: “Xe dù, bến cóc” vẫn tiếp tục lộng hành hoạt động
Tình trạng “xe dù, bến cóc” xuất hiện phổ biến trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lê Lợi… đặc biệt xung quanh khu vực Bệnh viện Trung ương Huế và trên các tuyến từ Huế đi Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, Lạng Sơn… Hoạt động “xe dù” diễn ra một cách công khai, phần lớn là loại xe từ 7 đến 16 chỗ lợi dụng hình thức hợp đồng du lịch để đưa đón và trả khách trong thành phố Huế nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Hiện tượng này làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ATGT, gây rối loạn môi trường, kinh doanh vận tải khách trong thời gian qua.
Xe dù đỗ và đón khách trong Bệnh viện Trung ương Huế
Trong đơn kiến nghị của hàng chục xã viên của các đơn vị vận tải Huế, Đông Hà, Quảng Trị, Quảng Bình có xe đang hoạt động tuyến cố định tại Xí nghiệp Bến xe phía Bắc thuộc Công ty CP Bến xe Huế đã bức xúc cùng ký tên kêu cứu đến Cty CP Bến xe, các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí về tình trạng xe dù, xe không có tuyến tại Huế vẫn ngang nhiên hoạt động trong thành phố, gây ảnh hưởng đến đời sống thu nhập của gia đình xã viên. Một lần đa số xã viên làm bản kiến nghị này kính mong lãnh đạo các cấp quản lý, các ngành chức năng có biện pháp xử lý đem lại sự công bằng cho họ.
Tài xế cho khách xuống và thu tiền tại sảnh Bệnh viện Trung ương Huế
Sáng ngày 4/8/2017, lúc 5 giờ 15 phút, phóng viên đã “mục sở thị” trước tiền sảnh Bệnh Viện Trung ương Huế (đường Hai Bà Trưng). Chỉ trong vòng 15 phút chúng tôi phát hiện 5 chiếc xe loại 7, 16 chỗ ngồi hiệu INOVA, MERCEDES mang BKS 74A-01387(Inova 7 chỗ); 75K-3414 ( Mer 16 chỗ); 73A-07424; 74A-04619; 75K-4702 đã chở khách từ Đông Hà, Đồng Hới, Roòn,… vào TP.Huế chọn địa điểm trả khách tại khu vực trong tiền sảnh Bệnh viện TW Huế rồi cho khách xuống, nhanh chóng thu tiền vội vàng ra cổng, lái xe thò tay qua cửa đưa 20.000 đồng “lệ phí” cho bảo vệ rồi rú ga.
Cũng tại Bệnh viện TW Huế qua quan sát của pv, tình trạng nhân viên bảo vệ ở cổng vào lại có số lượng đông hơn trước đây. Khi một nhân viên bảo vệ có tên…. Đình Phong đứng thu tiền ở cổng ra thấy chúng tôi quay phim chụp ảnh, ngay lập tức dùng bộ đàm gọi cho hai nhân viên bảo vệ khác đến hỏi chúng tôi : “ Anh làm gì mà đứng đây quay phim chụp hình những chiếc xe đó, nếu quay phim chụp ảnh thì phải xin phép (!?). và liền sau đó có một bảo vệ dùng điện thoại báo cho các lái xe khác chưa vào trả khách “án binh bất động” không vào tiền sảnh bệnh viện nữa.
Xe dù 7 chỗ lộng hành trong nội thành
Điều đó chứng tỏ những chiếc “xe dù” này lâu này hoạt động có sự cấu kết thông đồng bất chính, ăn chia với các nhân viên bảo vệ ở bệnh viện. Một chị bán bún ở cổng Bệnh viện cho biết: Bình quân mỗi ngày có hơn 50 xe các loại, chở khách ở các nơi, như Đông Hà, Đồng Hới, Ba Đồn, Roòn, Hà Tĩnh,... đi vào Bệnh Viện trả khách”.
Đây chính tạo thành một “bến cóc” mất trật tự ATGT và sau đó những chiếc “xe dù” này vòng quanh thành phố, qua các trường học, bệnh viện... để đón khách theo điện thoại từ trước về lại trong ngày qua các tuyến đường quanh Bệnh viện TW Huế như: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Cao Vân, Nguyễn Huệ, Lê Lợi ... vốn đã nhỏ hẹp, đông người lại phải chịu cảnh những xe khách đảo quanh để đón khách, gây ách tắc giao thông, dẫn đến TNGT.
Anh Nguyễn Lợi - lái xe 74B-00590; anh Nguyễn Đình Thành - lái xe 74B-00342 (thuộc HTX vận tải ô tô TP. Đông Hà cho biết, Những người kinh doanh vận tải như chúng tôi hàng tháng đều phải đóng thuế cho Nhà nước thấp nhất là 500.000 đồng, cao cũng gần 1 triệu đồng. Mỗi lần xuất bến 1 xe phải nộp tiền phí bến bãi. Trong khi đó, “xe dù, bến cóc” không phải đóng khoản phí nào. Hơn nữa, các xe chạy trong TP. Huế đã bắt hết khách của chúng tôi, như vậy, làm sao có công bằng trong kinh doanh vận tải ở tuyến cố định cho những xe có bến bãi. Tâm trạng của anh Lợi, anh Thành cũng là tâm trạng chung của những người kinh doanh vận tải chân chính.
Xe dù 16 chỗ trả và đón khách trong nội thành
Hiện nay, giá vé của xe chạy tuyến chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, nhưng “xe dù” không bị ai quản lý và không phải đóng bất cứ một chi phí nào. Nạn “xe dù” đang núp bóng dưới danh nghĩa doanh nghiệp vận tải du lịch không chỉ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoạt động theo bến mà còn gây thiệt hại rất lớn cho hành khách như bán vé giá “cắt cổ”, không bảo hiểm, hành khách không được đổi trả vé…Tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động bát nháo làm cho hành khách đi xe bức xúc, gây khó khăn cho các chủ xe ở các HTX vận tải ô tô chạy tuyến cố định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự ATGT và cuộc sống của người dân.
Ngày 21/7/2017, Công ty Cổ phần bến xe Huế sau khi nhận được nhiều đơn của các Doanh nghiệp, lái xe, chủ phương tiện một số tuyến hoạt động tại Bến xe phía Bắc TP.Huế phản ánh về tình trạng xuất hiện nhiều xe hợp đồng, du lịch thường xuyên chạy vào TP.Huế để đón trả khách, Cty cũng đã có tờ trình số: 16/TTr-BX gửi lên các cơ quan chức năng gồm Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội CSGT, Đội CSTT-CĐ Công an TP.Huế đề nghị xử lý xe hợp đồng, du lịch đón trả khách mất trật tự vận tải trên địa bàn TP Huế.
Trong tờ trình Công ty CP bến xe Huế đã cung cấp danh sách các phương tiện hoạt động vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải khách theo phản ánh từ các doanh nghiệp, phương tiện hoạt động tại bến xe phía Bắc (TP Huế). Cụ thể, các xe mang biển kiểm soát 75B – 01139 chạy tuyến Huế – Đô Lương (xe giường nằm) ; 75B – 00056 chạy Huế – Đông Hà; các xe tuyến Huế – Quảng Trị (xe từ 7 đến 16 chỗ) như: 74A – 01867, 74A – 01392, 74B – 00389…; tuyến Quảng Bình – Huế gồm: 73A – 04817, 73A – 03079, 73B-00755, 73L-7345 chạy Huế-Nghĩa Đàn xe giường nằm (Tựu Phương)….
Trao đổi với ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Phía Bắc Huế cho rằng: Phải có sự can thiệp, xử lý thường xuyên của lực lượng chức năng thì mới hạn chế được nạn “xe dù bến cóc”, đưa các xe này vào bến bãi theo quy định, bởi đến nay, hai bến xe phía bắc và phía nam mới chỉ sử dụng 60% công suất. Tình trạng “xe dù, bến cóc” ở địa phương tồn tại từ lâu mà trước đây chúng tôi đã có tờ trình đến các cấp nhưng chỉ xử phạt một thời gian, “xe dù, bến cóc” vẫn hoạt động trở lại.
Để sớm ngăn chặn nạn “xe dù, bến cóc”, việc quản lý chặt về luồng, tuyến là giải pháp căn cơ, hữu hiệu. Công ty CP Bến xe Huế cần phối hợp với Ban ATGT, Công an, Sở GTVT để đưa ra giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn ngăn chặn tình trạng “xe dù,bến cóc” mà như các địa phương khác đồng loạt ra quân xử lý, đơn cử là TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi…
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng, như CSGT, CSTT, Thanh tra Sở GTVT làm chủ công phối hợp cùng liên ngành, cần cương quyết, mạnh tay hơn nữa trong công tác xử lý vi phạm thể lệ vận tải khách trá hình như hiện nay tại TP.Huế, đồng thời chính quyền địa phương các phường cần phát huy trách nhiệm trong việc quản lý, xây dựng những tuyến phố văn minh, hình ảnh đẹp văn hóa ATGT, tự quản để “xe dù, bến cóc” không có cơ hội tồn tại hoạt động.
Bình Minh