TS.Võ Trí Thành: Ngành nông nghiệp có 3 thay đổi cơ bản khi tham gia WEF ASEAN
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việt Nam bắt đầu tham gia sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp kiến từ năm 2010 và đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đến nay, PSAV đang triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Nhóm công tác PPP về Chè đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật canh tác và chế biến nâng cao chất lượng chè Việt Nam xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia trong Nhóm công tác PPP về chè đã đầu tư 440.000 Euro để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23 nghìn nông dân ở 6 tỉnh.
Ngành Nông nghiệp có nhiều phát triển.
Nhóm công tác PPP về Cà phê đã triển khai được tổng cộng 256 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai), đem lại tác động tích cực đến 130.000 ha, năng suất cà phê vườn mẫu tăng thêm 17%, thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%, mô hình giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý.
Nhóm công tác PPP về Hồ tiêu và gia vị đã triển khai tập huấn cho hơn 120.000 nông dân về sản xuất hồ tiêu bền vững và hoàn thiện Bộ tài liệu Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững.
Nhóm công tác PPP về Thủy sản đã hỗ trợ xây dựng 25 liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm, 74 liên kết đầu vào và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, trong năm 2018 cũng có thêm 2 chương trình mới bắt đầu đi vào hoạt động, hỗ trợ giải quyết các vấn đề IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý), truy xuất nguồn gốc, quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Nhóm công tác PPP về rau quả, lúa gạo và Hóa chất nông nghiệp cũng đạt được những kết quả tốt.
Thứ trưởng Doanh chỉ ra triển vọng hợp tác với WEF trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Thứ nhất, tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thứ hai, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các Nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Cuối cùng, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp với các đối tác quốc tế.
TS.Võ Trí Thành.
Trao đổi với PV báo Thời Đại, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi tham gia diễn đàn kinh tế Thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước phát triển tốt. TS.Thành có hai ý kiến.
Thứ nhất, theo TS.Thành, ngành nông nghiệp đã có thay đổi cơ bản. Đầu tiên nó gắn với câu chuyện phát triển bền vững. Thứ hai, nó gắn với câu chuyện liên quan đến cách sống, cách thức tiêu dùng. Và thứ ba, không nhìn nông nghiệp là một lĩnh vực tăng trưởng chi 23%/năm, mà đây là ngành nhìn rộng ra thì có thể với những cái nhìn mới về phát triển về lối sống, cách sống, cách tiêu dùng nó có thể là ngành, lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà nó có những chuyển hướng rất rõ về đầu tư, kinh doanh trên thế giới cũng như Việt Nam.
Ý thứ hai TS.Thành đề cập đến vấn đề hợp tác đối tác về mặt công nghệ, về mặt phát triển rồi gắn với những xu hướng mới như thách thức biến đổi khí hậu…thì rất là quan trọng. “Nhưng phải hiểu cái cơ bản nhất vẫn là do thị trường tự chọn. Do tín hiệu thị trường với cách nhìn mới như vậy, thận trọng và đầu tư kinh doanh là chuyện làm ăn. Không phải chỉ đơn thuần hiểu nó là hợp tác mà tôi phải có trách nhiệm, điều này rất quan trọng nhưng mà phải hiểu nó vẫn do thị trường vận động là chính”, TS. Thành phân tích thêm.
Nói về ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh xu hướng hoà nhập, hội nhập với công nghệ cách mạng công nghệ 4.0, TS. Thành đánh giá, cuộc cách mạng này sẽ mang lại mang lại cơ hội đầu tư to lớn cho ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Nếu biết phát huy thế mạnh, Việt Nam sẽ vươn lên trong tất cả các ngành, trong đó có nông nghiệp.
Xuân Hoà