TS. Cấn Văn Lực: Tăng trưởng GDP quý I/2024 có thể đạt khoảng 5,5 - 5,7%
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia |
Tại hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" sáng 26/3, dự báo về kinh tế vĩ mô năm 2024, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng: Kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi, lạm phát giảm nhanh và lãi suất thế giới bắt đầu giảm. Riêng Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam được đánh giá tốt, kinh tế phục hồi quý sau cao hơn quý trước. Nhìn vào bức tranh 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có một số điểm sáng tích cực. Điển hình như vốn FDI chảy vào Việt Nam đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng liên tiếp tăng trên 50% trong khi giảm liên tục dưới 50% vào cuối năm 2023. Cụ thể, PMI tháng 1 đạt 50,3 điểm, tháng 2 đạt 50,4 điểm. Con số này thể hiện ngành sản xuất bắt đầu cải thiện rõ rệt.
Xuất khẩu cũng đã tăng trở lại, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 19%, thặng dư thương mại được duy trì cao; nhu cầu tại các thị trường chính phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng dần...
Với những bức tranh kinh tế sáng màu hơn, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam có thể đạt khoảng 5,5 - 5,7%. "Quý I năm ngoái tăng trưởng chỉ hơn 3% nên quý I năm nay nếu đạt khoảng trên 5,5% là khá tích cực", TS. Cấn Văn Lực nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dần hồi phục. "Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt những trở ngại nhưng cũng đang đứng trước cơ hội chưa từng có. Đây là giai đoạn cần nắm bắt cơ hội để vượt qua và bứt phá", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương |
Theo ông, kinh tế thế giới dù vẫn còn khó khăn, vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng trung bình trong nhiều năm qua song nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại tài chính đầu tư lớn nhất của Việt Nam đang thấp, lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm.
Đồng thời, xu thế đang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ mới... đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất vì sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, giai đoạn khó khăn nhất về lãi suất, tỷ giá cũng như những sang chấn của thị trường chứng khoán cũng đã qua,... mặc dù nợ xấu còn đó nhưng thanh khoán đã tốt trở lại. Lãi suất điều hành hiện đã ổn định hơn, tài chính tiền tệ tốt hơn, VND năm nay khả năng chỉ mất giá tối đa 3%, thậm chí trong nửa cuối năm có thể còn tăng lên.
Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt mức 5,5% - 6,3%, nhờ các động lực tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tốt. Bên cạnh xuất khẩu nông sản thì sản xuất công nghiệp cũng đang phục hồi lại.
Đầu tư FDI tương đối tốt kể cả số vốn cam kết và số vốn giải ngân. Chưa bao giờ vốn giải ngân FDI tăng gần 10% mà trong hai tháng đầu năm nay đã đạt được, trước đó vốn giải ngân chỉ tăng 2 - 3%.
Đầu tư công cũng tăng tốt ngay từ hai tháng đầu năm. Năm ngoái, các dự báo đều đánh giá giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng nhưng không ai nghĩ mục tiêu 95% có thể đạt được. Năm ngoái, tỷ lệ giải ngân khá tốt khoảng 680.000 tỷ đồng/710.000 tỷ đồng vốn kế hoạch.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế vĩ mô hiện vẫn còn hai yếu tố kém tích cực là thị trường bất động sản và tiêu dùng. Trong đó, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi được như kỳ vọng sau những nỗ lực tháo gỡ của Chính phủ.
Tốc độ tăng tiêu dùng cũng giảm khá nhanh do tâm lý thận trọng của người dân. Người dân quan ngại hơn nên chi tiêu cho tiêu dùng, ăn uống, du lịch đều kém hơn. Ngoài ra, sự quan ngại của toàn thị trường còn thể hiện ở tín dụng hai tháng đầu năm tăng trưởng âm hay đầu tư tư nhân còn yếu.
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh về chính sách, cần giữ cho bằng được hoạt động của kinh tế vĩ mô, từ duy trì lạm phát tương đối thấp đến đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Đồng thời, cần kích cầu tiêu dùng bằng các chính sách tài khóa hỗ trợ người lao động hay thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua ký kết, đàm phán thêm các Hiệp định thương mại FTA. Tiếp tục chính sách tài khóa, tiền tệ hoãn nợ, giảm thuế phí,... để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực mới để Việt Nam bắt nhịp với tăng trưởng thế giới.
"Trong giai đoạn này, dù doanh nghiệp hay nhà đầu tư, nhà điều hành chính sách cũng đều phải có công cụ phòng thủ và biết nhặt nhạnh cơ hội để vượt khó", ông Thành nói.