Trường THCS Phượng Lâu tham gia bảo tồn phát huy hát Xoan Phú Thọ
Thời gian qua, Trường THCS Phượng Lâu, TP.Việt Trì tích cực đưa hát Xoan Phú Thọ vào giảng dạy.
Năm học 2018 – 2019 trường THCS Phượng Lâu tiếp tục đẩy mạnh, tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể, ngoại khóa, giao lưu văn hóa văn nghệ và tổ chức các hoạt động trải nghiệm hát Xoan cho học sinh. Mới đây, ngày 17/1/2019, trường THCS Phượng Lâu đã tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ” tại đình An Thái - một trong những cái nôi của hát Xoan Phú Thọ. Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân phường xoan An Thái, cùng tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Phượng Lâu.
Chương trình được xây dựng theo đúng trình tự của một cuộc trình diễn hát xoan, được chia làm ba phần chính gồm: Phần hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian; phần trình diễn các quả cách và phần hát hội. Cụ thể: Ở chặng hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian với các bài: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám…đã đem lại không khí trang nghiêm, thành kính cho buổi ngoại khóa. Chặng hát trình diễn các quả cách (quả là bài, cách là hình thức thể hiện), với các bài; Tràng mai cách; Đối dãy cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách…
Trường THCS Phượng Lâu, TP.Việt Trì tổ chức ngoại khoá cho học sinh với chủ đề “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ” tại đình An Thái ngày 17/1/2019.
Cuối cùng là phần hát hội, với nhiều tiết mục đặc sắc như đón đào,bợm gái, xin huê, đố huê…kết hợp với các tiết mục mang đậm chất dân gian như “Quê em đẹp tựa gấm hoa”, “Bắt ốc”, “Trẩy hội mùa xuân”…đã làm cho không khí hát xoan thay đổi, trở nên rộn ràng, dồn dập, sôi động và vui vẻ.
Khép lại chương trình là màn múa tập thể của tập thể giáo viên và học sinh với 2 bài hát xoan là “Bỏ bộ” và “Mó cá” để lại ấn tượng sâu đậm, giàu giá trị nghệ thuật. Với thành công của buổi ngoại khóa, trường THCS Phượng Lâu một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của nhà trường trong việc giáo dục, tuyên truyền và phát huy giá trị của di sản phi vật thể hát xoan Phú Thọ.
Cán bộ giáo viên trường THCS Phượng Lâu biểu diễn hát Xoan Phú Thọ.
Theo ông Nguyễn Huy Hiền – Trưởng phòng Phòng GD&ĐT TP.Việt Trì chia sẻ: hát Xoan là hoạt động tiêu biểu trong mô hình “Trường học gắn gắn với cuộc” có giá trị nghệ thuật cao, khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi cho giáo viên và học sinh, các em học sinh rất hứng thú khi được nghe giới thiệu về hát Xoan và được trực tiếp tham gia biểu diễn.
Việc trường THCS Phượng Lâu đưa hát Xoan vào dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong và ngoài nhà trường đã trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa “hát Xoan Phú Thọ”.
Các em học sinh trường THCS Phượng Lâu đồng diễn hát Xoan Phú Thọ.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng trường THCS Phượng Lâu cho biết: Mô hình “Trường học gắn với di sản” là tiếp nối và nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mô hình này được thực hiện có chiều sâu, gắn với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, lễ hội.
Để thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, trường THCS Phượng Lâu triển khai và thực hiện mô hình “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ”. Thời gian qua, nhà trường tổ chức tốt các hoạt động nhằm giữ gìn di sản văn hóa của quê hương như đưa hát Xoan vào giảng dạy, giáo dục tích hợp qua bài giảng các bộ môn như: Âm nhạc, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, qua các dự án, bài thi tích hợp, liên môn trong dạy và học. Đến nay, hoạt động này đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sức sống bền vững cho di sản trong cộng đồng.
Tiết mục múa hát để lại ấn tượng sâu sắc.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: Thông qua mô hình “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ” đã giúp: mỗi học sinh được giáo dục kỹ năng, hành vi ứng xử trước di sản, di tích và nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản, di tích của quê hương mình; rút ngắn khoảng cách giữa các bài học trên trang sách, trong nhà trường với thực tiễn, giúp học sinh được trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa;…
Song song với thực hiện mô hình: “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ”, trường THCS Phượng Lâu luôn cải tiến phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng học tập. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng của giáo viên theo kế hoạch của nhà trường, đi sâu kiểm tra chuyên môn, chú trọng khảo sát chất lượng học sinh các khối. Phối kết hợp chặt chẽ với ban ngành, đoàn thể, hội cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh để thực hiện tốt cuộc vận động hai không.
Các em học sinh trường THCS Phượng Lâu biểu diễn hát Xoan Phú Thọ.
Theo đó, sơ kết học kỳ I, năm học 2018 – 2019, chất lượng giáo dục đại trà duy trì ổn định, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên: đạt 3 giải thi học sinh giỏi cấp thành phố Việt Trì (trong đó: 2 giải Ba thi nghiên cứu KHKT; 1 giải KK môn Lịch Sử); có 22 học sinh đạt học sinh giỏi cấp trường thông qua cuộc thi trên mạng môn vật lý và tiếng anh (trong đó: 3 giải Nhất; 4 giải Nhì; 7 giải Ba; 8 giải Khuyến khích).
Tổng kết năm học 2017 – 2018, trường THCS Phượng Lâu có: 1 học sinh đạt giải Nhì thi học sinh giỏi cấp tỉnh; đạt 10 giải thi học sinh giỏi cấp thành phố (1 Nhì, 3 Ba, 5 KK); đạt 2 giải giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (1 Ba, 1 KK); 1 giáo viên được Ban chấp hành Thành đoàn TP Việt Trì tặng Giấy khen; 3 cán bộ giáo viên đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở ( gồm các thầy cô giáo: Nguyễn Tiến Dũng; Nguyễn Công Chính; Phan Thị Hồng Yến); đã nghiệm thu 20 sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, 5 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận công nhận cấp Thành phố.
"Hát Xoan Phú Thọ" được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Tại Trung tâm hội nghị quốc tế đảo Jeju, Hàn Quốc, ngày 8/12/2017, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí đưa di sản “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, ngày 24/11/2011 “Hát Xoan Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.Đại Sơn