Trước khi Tranh cử Tổng giám đốc UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã miệt mài nỗ lực đưa di sản Việt Nam vươn ra thế giới
Những ngày vừa qua, truyền thông liên tục cập nhật về hành trình "chạy đua" vào vị trí Tổng giám đốc UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) của Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO.
Người ta nói nhiều về tài năng xuất chúng, hiểu biết sâu rộng về các vấn đề văn hóa, xã hội và con người, về kỹ năng ngoại ngữ ấn tượng, cũng như phong thái tự tin và bản lĩnh khi "đem chuông đi đánh xứ người" của vị Đại sứ 56 tuổi.
Đại sứ Phạm Sanh Châu vừa xuất sắc lọt vào vòng 3 của cuộc tranh cử cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO. Nguồn: VOV.
Trước đó, ông Phạm Sanh Châu vốn nổi tiếng là một nhà ngoại giao văn hóa vô cùng tâm huyết. Trong nhiều bài phỏng vấn của mình, ông Châu luôn luôn nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa văn hóa và nét đẹp truyền thống Việt Nam đến với năm châu để tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước bạn, cũng như nỗ lực để di sản, danh lam thắng cảnh và những giá trị tinh túy của đất nước được ghi nhận trên trường quốc tế.
Những bộ hồ sơ về di sản văn hóa Việt Nam trước nay, khi đệ trình lên UNESCO để được công nhận đều có sự đóng góp rất lớn và tâm huyết của ông Phạm Sanh Châu, đơn cử như hành trình đưa Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.
Ông Châu cũng là người đề xuất ý tưởng cho chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng với sự tham gia của đoàn Đại sứ các nước vào năm 2016 - được coi là cách quảng bá vô cùng hiệu quả danh lam thắng cảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, và chính ông cũng đích thân vác ba lô lên để tham gia vào chuyến đi trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên quê hương.
Mới đây, ông cũng là người phát động dự án "Ngoại giao văn hóa Việt bằng tranh", với hình thức quảng bá văn hóa đất nước ta ra thế giới bằng cách giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Phạm Sanh Châu (thứ 4 từ trái qua) và đoàn Đại sứ tại Việt Nam trong chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, tháng 5/2016.
Tạm ngừng nói về vai trò của ông với tư cách một nhà ngoại giao tài ba. Bên cạnh việc coi trọng quảng bá văn hóa vì đây là công cụ quan trọng và mang tính thời đại của ngành ngoại giao, ông Phạm Sanh Châu tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy và truyền bá giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến thế, đơn giản là bởi ông là người con đất Việt nặng lòng với văn hóa quê hương.
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong tà áo dài dân tộc. Nguồn: Vietnamplus.
Trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao long trọng, ông Châu luôn luôn mặc áo dài để diện kiến đại diện cấp cao của các nước. Ông đã tâm sự về ý nghĩa đằng sau thói quen này của mình trong một cuộc phỏng vấn với đài VOV: "Bên cạnh lý do quảng bá hình ảnh và con người đất nước Việt Nam, tôi muốn mặc áo dài để thế giới nhận diện rõ nét hơn về con người và bản sắc Việt Nam, rằng Việt Nam sẵn sàng hội nhập chứ không hòa tan". Nói về trang phục truyền thống, ông Châu không ngừng dùng mỹ từ "đẹp" để cảm thán.
Đại sứ Phạm Sanh Châu quảng bá về áo dài và nói về bản sắc dân tộc. Nguồn: VOV
Khi trả lời về các di sản hữu hình lẫn phi vật thể của đất nước, ánh mắt cũng như giọng nói của ngài Đại sứ luôn chứa đựng đầy sự trân trọng và đôi khi là nỗi niềm trăn trở khi một số nét văn hóa đang dần nhạt màu.
Ông Châu từng bày tỏ nỗi tiếc nuối khi phong vị đón Tết cổ truyền của thế hệ ngày nay có nhiều điểm khác so với thời xưa, khi nhiều người đơn thuần "coi Tết là một kì nghỉ", và thường chọn cách đi du lịch trong dịp Tết để "tránh đi những gì họ coi là lễ nghi phiền toái, nặng nề của một cái Tết". Đại sứ không phê phán, khi bản thân ông hiểu rằng đây là cách nhiều người nghỉ ngơi và tìm kiếm sự yên bình sau một năm bận rộn, nhưng ông Châu không giấu chút nuối tiếc khi nói về sự đổi thay này.
Bản thân là một người được tiếp cận với nhiều nền văn hóa tiến bộ trên thế giới, ông Phạm Sanh Châu nhìn nhận ra sự cấp thiết của việc gọt đẽo, rèn giũa và điều chỉnh những hủ tục lạc hậu, những nét chưa đẹp như uống rượu say xỉn hay bẻ lộc hái hoa ngày Tết.
Tuy nhiên, ngài Đại sứ trước sau luôn quan niệm: "Cái gì cũng có thể mất đi, nhưng tinh thần truyền thống luôn tồn tại và là điều tạo ra sự khác biệt". Ông cho rằng hình thức đón Tết có thể thay đổi, nhưng tinh thần gắn kết, tinh thần hướng tới cội nguồn, tấm lòng tri ân và hướng thiện là những điều không thể đánh mất.
Ánh mắt và giọng nói trìu mến ấy, ông cũng dùng khi nói về Đạo Mẫu thiêng liêng cũng như ước mong đưa Đạo Mẫu trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Ông Phạm Sanh Châu có nhiều tâm huyết và trăn trở với việc đưa các giá trị văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới.
Người Việt Nam tự hào vì có một đại diện ưu tú như Đại sứ Phạm Sanh Châu, đầy tài năng và bản lĩnh vươn ra quốc tế, mà như chính đại sứ từng nói rằng ông tự tin mình đã có đủ "tâm và tầm" để tham dự kì thi ứng cử vào chức Tổng Giám đốc UNESCO lần này.
Nhưng hơn cả, người Việt Nam đều hoàn toàn an tâm đặt nhiều kì vọng, khi đôi vai của ông Châu không chỉ gánh trọng trách mang tầm quốc tế, mà còn là sứ mệnh cao cả đưa văn hóa và giá trị tốt đẹp của quê hương vươn ra thế giới - sứ mệnh mà có lẽ người con đất Việt Phạm Sanh Châu tự đặt cho riêng mình.
Hiccup