Trước khi đến với bà Michelle, cựu Tổng thống Mỹ Obama từng có một mối tình sâu đậm nhưng dở dang
Trong cuốn sách mới mang tên "Rising Star: The Making of Barack Obama" (tạm dịch: "Ngôi sao đang lên: Hành trình tạo nên Barack Obama") - một cuốn tiểu sử về cuộc đời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, tác giả David J. Garrow đã tiết lộ nhiều câu chuyện bây giờ mới kể, về những năm tháng tuổi trẻ của ông Obama, giấc mộng chính trị đã thành hình từ khi còn rất trẻ của vị Tổng thống da màu, cũng như những thứ mà Obama đã phải hi sinh để bước chân vào Nhà Trắng. Trong đó, có cả một mối tình sâu đậm nhưng dang dở, trong thời gian ông Obama ở Chicago.
Bìa cuốn sách "Rising Star: The Making of Barack Obama" của tác giả David J. Garrow.
Đó là chuyện tình với người phụ nữ mang tên Sheila Miyoshi Jager, hiện đang là giáo sư ngành nhân chủng học tại trường Đại học Oberlin, bang Ohio. Bà sinh năm 1963, kém ông Obama 2 tuổi, và mang trong mình hai dòng máu Hà Lan và Nhật Bản.
Giáo sư Sheila Miyoshi Jager - người yêu cũ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Có một sự trùng hợp thú vị là Sheila Miyoshi Jager và mẹ của ông Obama đều nghiên cứu ngành nhân chủng học, nhưng trong khi mẹ Tổng thống có hứng thú với vùng đất Indonesia, thì bà Jager lại quan tâm đặc biệt tới bán đảo Triều Tiên. Việc bà Jager mang trong mình 2 dòng máu cũng phù hợp với thế giới đa sắc tộc của ông Obama. Nhiều điểm tương đồng như vậy khiến cho hai người hợp nhau một cách tự nhiên.
Khi còn ở Chicago, ông Obama và bà Jager đã cùng sống chung dưới một mái nhà. Thế nhưng, bà Jager miêu tả cuộc sống của mình bên cạnh Obama là một trải nghiệm cô lập, "một hòn đảo với riêng chúng tôi". Lý do là bởi, vị cựu Tổng thống phân định rất rạch ròi đời sống cá nhân với sự nghiệp của mình. Bà Jager thậm chí chưa một lần gặp gỡ Jeremiah Wright, vị mục sư có ảnh hưởng rất lớn tới ông Obama. Ngoài ra, ông Obama cũng không tạo điều kiện cho người phụ nữ của mình gặp gỡ các đồng nghiệp của ông. Những người bạn mà họ cùng nhau gặp gỡ đều là bạn bè từ phía của Jager.
Tuy vậy, mối quan hệ của họ vẫn tốt đẹp khi cả hai thường cùng nhau tới thăm gia đình hai bên. Và điều gì đến cũng đến, cặp đôi bắt đầu nghĩ nghiêm túc tới một đám cưới.
"Vào mùa đông năm 1986, khi chúng tôi tới thăm bố mẹ tôi, Obama đã chính thức ngỏ lời cầu hôn tôi", bà Jager kể lại. Tuy nhiên, bố mẹ bà Jager lại phản đối cuộc hôn nhân này, không phải là vì vấn đề màu da sắc tộc, mà bởi họ lo ngại trước sự nghiệp theo đuổi chính trị của ông Obama, cũng như nghĩ rằng con gái họ, khi đó mới 23 tuổi, còn quá trẻ để kết hôn. Dù vấp phải sự phản đối của gia đình, cặp đôi vẫn tiếp tục ở bên nhau.
Ông Obama và bà Jager từng tính tới chuyện hôn nhân nhưng vấp phải sự phản đối từ gia đình.
Thế nhưng chỉ một thời gian sau đó, vào đầu năm 1987, Jager đã nhận thấy có sự thay đổi từ người bạn trai. "Anh ấy trở nên đầy tham vọng", Jager chia sẻ với tác giả David J. Garrow. "Tôi nhớ rất rõ sự thay đổi này diễn ra từ khi nào, và tôi nhớ cụ thể rằng vào năm 1987, khoảng 1 năm kể từ khi chúng tôi bắt đầu mối quan hệ, anh ấy đã bắt đầu ôm mộng trở thành Tổng thống". Khi đó, ông Obama mới 25 tuổi.
Tác giả Garrow viết rằng ông Obama đã nghe thấy một "tiếng gọi", định hình được ước mơ cũng như sứ mệnh trở thành Tổng thống của mình. Và điều này cũng đi kèm với nhận thức của Obama rằng, để có thể theo đuổi tham vọng chính trị ấy, ông cần xác định thân phận của mình là một người Mỹ gốc Phi thuần túy.
Nhận thức về thân phận, chủng tộc này của Obama ảnh hưởng tới cả quan điểm trong chuyện tình cảm của ông. Một người bạn chung của bà Jager và ông Obama tiết lộ với tác giả Garrow rằng, cựu Tổng thống từng chia sẻ suy nghĩ: "Ranh giới rất rõ ràng... Nếu như tôi hẹn hò với một người phụ nữ da trắng, tôi sẽ không thể có chỗ đứng".
Chàng trai trẻ Barack Obama nhận thức sâu sắc rằng có mối liên hệ gắn kết giữa chủng tộc và sự nghiệp theo đuổi chính trị.
Trong lịch sử, quả thật từng có tiền lệ đáng buồn như vậy đối với các chính trị gia da màu. Richard H. Newhouse Jr., một Thượng Nghị sỹ bang Illinois người Mỹ gốc Phi, đã từng nhận phải những lời dèm pha rằng "nói về người da đen nhưng lại ngủ với người da trắng", chỉ vì vợ ông là một người da trắng. Bà Carol Moseley Braun, nữ Thượng Nghị sỹ gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ và có chồng là người da trắng, cũng từng thừa nhận rằng "một cuộc hôn nhân liên sắc tộc thực sự hạn chế lựa chọn chính trị của bạn".
Sự thay đổi trong nhận thức của Obama khiến cặp đôi thường xuyên xích mích. Việc kết hôn bị trì hoãn, và mối quan hệ của họ dần trở nên xa cách. Vào năm 1988, chỉ vài ngày trước khi Obama lên đường tới nhập học tại Trường Luật Harvard, ông đã một lần nữa cầu hôn người yêu, nhưng lần này, theo bà Jager, chỉ là một sự níu kéo mối quan hệ đang rơi vào khủng hoảng chứ không xuất phát từ niềm tin vào một tương lai hạnh phúc bên nhau. Ở thời điểm đó, bà Jager cũng có những dự định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu cho riêng mình tại Hàn Quốc, và bà cảm thấy bực tức khi Obama không để tâm tới nguyện vọng cá nhân này của bà. Cãi vã chồng chất cãi vã, và rồi cặp đôi đường ai nấy đi.
Thế nhưng, bà Jager không hoàn toàn bước ra khỏi cuộc đời ông Obama kể cả sau cuộc chia ly đó. Sau này, Sheila Miyoshi Jager cũng tới Harvard để tham gia giảng dạy. Trong những năm 1990 - 1991, ngay cả khi Obama đã bắt đầu mối quan hệ sâu sắc và nghiêm túc với Michelle Robinson - Phu nhân Tổng thống sau này, ông vẫn gặp gỡ bà Jager dù không thường xuyên.
Hình ảnh hạnh phúc của ông Obama và bà Michelle thời trẻ.
Tuy nhiên, sau khi kết hôn với Michelle vào năm 1992, ông cũng hạn chế liên lạc với bà Jager, chỉ trừ một số bức thư hỏi thăm vào dịp hệ trọng (ví dụ như sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001) và cuộc gọi điện khi Obama nghe nói có một nhà văn viết tiểu sử đã liên lạc với bà.
Mối tình thời trẻ của ông Obama với bà Sheila Miyoshi Jager không phải là câu chuyện duy nhất trong cuốn sách tiểu sử dày 1460 trang của tác giả David J. Garrow, và mục đích của nó có lẽ cũng không phải là xoáy sâu vào chuyện tình cảm riêng tư của vị cựu Tổng thống. Mà sau cùng, câu chuyện tình dang dở này đã khắc họa được tham vọng chính trị đầy mạnh mẽ của ông Obama từ khi còn rất trẻ tuổi, và cả những sự đánh đổi, hy sinh mà ông phải chấp nhận để có thể theo đuổi ước mơ sự nghiệp ấy.
Nguồn: Washington Post
Hiccup