Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã phải từ chối…cứu hộ
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Bái Tử Long thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long đóng chân ở đảo Ba Mùn (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn) là trung tâm cứu hộ ĐVHD duy nhất của Quảng Ninh.
Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, khiến nơi đây trở nên đìu hiu, không phát huy được vai trò của mình.
Khu vực nuôi, nhốt cứu hộ linh trưởng nhỏ hẹp, khung sắt đã han rỉ.
Cơ sở hạ tầng thiếu thốn
Ngày 5-5, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long phối hợp với các đơn vị chức năng di chuyển 2 cá thể gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.
Tần ngần đứng bên chuồng gấu trống rỗng, anh Khúc Thành Liêm, Giám đốc Trung tâm tâm sự: Việc di chuyển 2 cá thể gấu này là cần thiết, bởi không chỉ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mà còn là vì nơi đây thực sự chưa đáp ứng được các tiêu chí về cứu hộ cho loài gấu.
Quả thực khu vực cứu hộ gấu có chuồng trại nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, hoàn toàn không có các tiểu cảnh để gấu vận động, vui chơi, hệ thống vệ sinh chuồng trại không đồng bộ…
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu vực cứu hộ, anh Liêm cho biết thêm: Ngoài khu vực cứu hộ gấu, các khu vực cứu hộ các loại động vật khác hiện có tại Trung tâm cũng đều nhỏ hẹp và đang xuống cấp.
Hiện Trung tâm chỉ có 1 chuồng linh trưởng với sức chứa tối đa 20 cá thể; 1 chuồng rùa với sức chứa tối đa 50 cá thể; 1 chuồng thú ăn thịt nhỏ với sức chứa tối đa 10 cá thể, con số khá nhỏ so với nhu cầu cứu hộ hàng năm và tất cả đều đã hư hỏng xuống cấp.
Trung tâm hiện chưa có khu vực cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng các loại rắn, thú móng guốc... nên các loại thú này nếu được chuyển về Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long thì cũng chỉ có thể tiếp nhận rồi thả về rừng tự nhiên ngay chứ không nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho chúng được.
Điều này là sai quy trình, bởi nguyên tắc đối với đối tượng động vật bị nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán này là phải được cứu hộ trước rồi mới thả về tự nhiên.
Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long cũng chưa có khu cứu hộ bán hoang dã. Trong khi đó đối với một số loại động vật do đã bị nuôi nhốt lâu ngày, quên cuộc sống hoang dã thì lại rất cần phải có khu vực này để chúng làm quen, thích nghi và dần phục hồi bản năng sinh tồn mới có thể thả về môi trường tự nhiên.
Ngoài hạn chế về hạ tầng, hiện Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long cũng khó khăn về con người. Trung tâm đang có 5 cán bộ nhân viên, hầu như phải túc trực tại chỗ, thời điểm tiếp nhận nhiều ĐVHD mọi người đều phải làm thêm giờ và không có ngày nghỉ.
Còn về kinh phí hoạt động chủ yếu được trích từ nguồn chi thường xuyên của Vườn Quốc gia Bái Tử Long, khá eo hẹp; các đợt cứu hộ đột xuất chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí kịp thời nên Trung tâm đã khó lại càng khó hơn.
Chưa tương xứng là trung tâm cứu hộ quan trọng
Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long ngay từ khi thành lập, năm 2010 đã được xác định là Trung tâm Cứu hộ ĐVHD duy nhất của Quảng Ninh và có tầm quan trọng trong hoạt động cứu hộ ĐVHD cả nước.
Bởi vị trí của Trung tâm là vùng đảo, gần với môi trường tự nhiên của các loại động vật, rất thuận lợi trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, thả về môi trường tự nhiên của các động vật được cứu hộ.
Hơn nữa Trung tâm nằm trong khu vực vốn là đầu mối trung chuyển, buôn bán ĐVHD ra nước ngoài của cả nước (Quảng Ninh có đường giáp biên giới dài và nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc).
Ảnh minh họa
Thực tế mỗi năm các đơn vị chức năng của tỉnh phát hiện và bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép với trọng lượng hàng tấn ĐVHD các loại. Ngay trong năm 2014, Quảng Ninh bắt giữ gần 100 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD với trọng lượng gần 6,5 tấn, trong đó chủ yếu là ĐVHD loại quý hiếm với trên 4,5 tấn; động vật thông thường chiếm trên 1,9 tấn.
Trong 4 tháng đầu năm nay các đơn vị chức năng cũng bắt giữ gần 20 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD với trọng lượng gần 1,4 tấn, trong đó loại động vật quý hiếm chiếm gần 1,1 tấn, còn lại là động vật thông thường.
Điều đáng nói là các đối tượng ĐVHD được thu giữ trong các vụ vi phạm này đều cần phải được cứu hộ ngay, bởi vậy khi được chuyển về Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long sẽ rất kịp thời và đảm bảo tỷ lệ sống cao cho các ĐVHD.
Thế nhưng với cơ sở hạ tầng như hiện nay thì phần lớn số ĐVHD trong các vụ vi phạm bị phát hiện buộc phải di chuyển tới Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn (Hà Nội).
Thực tế từ đầu năm tới nay, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long đã phải từ chối nhiều đợt cứu hộ do không đủ năng lực, trong đó có 2 đợt cứu hộ rắn hổ mang chúa với trọng lượng gần 500kg.
Theo Chi cục Kiểm lâm, số rắn hổ mang chúa này đã được đưa về Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn thế nhưng do di chuyển xa nên số cá thể rắn bị yếu, chết rất nhiều, hiệu quả cứu hộ không cao.
Có thể nói với vị thế và tầm quan trọng của mình, đáng nhẽ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Bái Tử Long phải được đầu tư tương xứng, thế nhưng thực tế hiện nay Trung tâm này đang còn rất nhiều khó khăn.
Trong tình hình ấy Trung tâm khó có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn là tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho ĐVHD như mục tiêu đề ra. Đây là điều mà các đơn vị chức năng tỉnh cần phải suy nghĩ để có sự đầu tư phù hợp.
Theo Việt Hoa/QNO