Trung Quốc – thiên đường của hoạt động rửa tiền
Theo kết quả của cuộc điều tra mà hãng thông tấn AP từng thực hiện, mạng lưới tài chính ngầm phát triển mạnh của nước này đã thu hút sự chú ý của những tội phạm nước ngoài. Chúng đưa “tiền bẩn” vào Trung Quốc đại lục và Hong Kong, sau đó “làm sạch” và đưa tiền trở lại vào hệ thống tài chính toàn cầu. Các hoạt động phi pháp này hầu như đều nằm ngoài tầm kiểm soát của giới thực thi pháp luật phương Tây – AP nhấn mạnh.
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, tiền tệ và con người Trung Quốc cũng hội nhập, lưu thông khắp thế giới, thúc đẩy nền kinh tế tội phạm của nước này mở rộng hoạt động ra phạm vi quốc tế.
Nguồn tin an ninh, tình báo từ Mỹ và châu Âu cho thấy: các băng nhóm từ Israel và Tây Ban Nha, những kẻ buôn bán cần sa từ Bắc Phi cùng với các băng đảng tới từ Mexico và Colombia đã rửa hàng tỷ USD ở Trung Quốc và Hong Kong, bằng cách đưa tiền vào hệ thống tài chính thương mại khổng lồ của khu vực này.
Trung Quốc đang được coi là “thiên đường rửa tiền” hấp dẫn với giới tội phạm quốc tế
Để có được cái nhìn tường tận hơn về thiên đường rửa tiền Trung Quốc, phóng viên AP đã tiếp cận và phỏng vấn gã siêu lừa mang 2 quốc tịch Pháp – Israel Gilbert Chikli. Chikli “thành công” với mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia của mình tới mức đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ bắt chước theo.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng kết luận: chỉ trong vòng 2 năm, Chikli mạo nhận là các giám đốc điều hành (CEO), quản lý… lừa đảo hàng nghìn công ty và nhiều công dân Mỹ, gây ra thiệt hại lên tới 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, tên này cũng bị tòa án Pháp kết tội 7 năm tù không vắng mặt vì tội lừa đảo 5 công ty với số tiền lên tới 6,1 triệu euro, bao gồm: La Banque Postale, ngân hàng LCL, HSBC, Accenture và Thomson – một công ty công nghệ.
Danh sách nạn nhân của Chikli cũng bao gồm ít nhất 33 công ty khác, trong đó có những cái tên như Barclays, American Express và công ty đang điều hành Disneyland Paris... Số tiền phi pháp mà hắn âm mưu rút ra khỏi các công ty này lên tới hơn 70 triệu euro.
Khi được hỏi về Trung Quốc, hắn trả lời: “Trung Quốc đã trở thành một hành lang chung cho tất cả những trò gian lận. Bởi vì Trung Quốc hiện là một nước lớn trên thế giới, và họ không quan tâm tới các quốc gia láng giềng. Ngoài ra, Trung Quốc có sự khác biệt lớn (về mặt luật pháp) đối với nhiều quốc gia khác”.
Chikli thừa nhận đã hợp pháp hóa khoảng 90% trong số hàng triệu USD mà hắn lừa đảo được tại Trung Quốc và Hong Kong. “Đó là một con số rất lớn” – gã chia sẻ thêm. Theo lời kể của Chikli, mánh khóe rửa tiền yêu thích của hắn là theo kiểu xuất – nhập khẩu: gửi tiền lừa đảo vào các công ty vỏ bọc tại Hong Kong, sau đó rút tiền mặt để mua hàng tại Trung Quốc.
Gilbert Chikli đang trú tại Israel sau khi bị nhà chức trách Pháp kết tội lừa đảo hàng triệu euro. (Ảnh: AP)
Ví dụ như, Chikli mua khoảng 20 tấn thép, nhưng lại hối lộ cho bên bán để ghi khống lên thành 100 tấn. Sau đó, hắn bán lô hàng này đi, và gửi tiền về Israel – nơi mà các hóa đơn gian lận này không bị phát giác, khiến cho các khoản thu có vẻ như là lợi nhuận hợp pháp từ kinh doanh. “Hãy đưa tôi các tài liệu và mọi thứ sẽ xong” – Chikli cho biết.
Thủ đoạn rửa tiền dựa trên hoạt động thương mại ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà chức trách Mỹ. Hồi tháng 9/2015, bản cáo trạng của Bộ Tư pháp nước này cho biết: 3 công ty Colombia đặt trụ sở tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã cầm đầu một mạng lưới rửa tiền toàn cầu, tiếp tay cho việc chuyển hơn 5 tỷ USD cho các băng đảng ma túy ở Mexico và Tây Ban Nha. Theo cáo trạng, mạng lưới này có “chân rết” ở khắp Mỹ, Colombia, Tây Ban Nha, Ecuador và Venezuela.
Giống như Chikli, chúng xử lý các khoản lợi nhuận bất hợp pháp thông qua những tài khoản ngân hàng ở Hong Kong và Trung Quốc, đồng thời rửa tiền bằng cách mua hàng hóa (thường là giả mạo) mà chúng chuyển tới bán lại ở Colombia và các nơi khác.
Chikli khẳng định có nhiều kẻ lừa đảo mới đang học theo các thủ đoạn của hắn để hành nghề. Những kẻ này trực tiếp gửi tiền lừa đảo tới Trung Quốc và Hong Kong, tương tự như Chikli. FBI đang truy nã các CEO giả mạo hoạt động lừa đảo tại hơn 70 quốc gia khác nhau. Theo cựu nhân viên FBI Jay Bienkowski, “đứng đầu trong danh sách các nước là Trung Quốc và Hong Kong”.
Tháng 2/2016, cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ 6 nhân viên ICBC – ngân hàng Trung Quốc có chi nhánh tại Madrid (Tây Ban Nha) do dính líu tới mạng lưới rửa tiền quốc tế. (Ảnh: AP)
Giới cảnh sát tin rằng một số mạng lưới lừa đảo đang bắt tay với nhóm đối tượng nhập cư gốc Trung Quốc ở châu Âu để rửa tiền, và sử dụng kiểu giao dịch thời cổ đại được gọi là “fei qian”. Hồi tháng 6/2015, cảnh sát Pháp phá vỡ một hoạt động tương tự tại một khu buôn bán của người Trung Quốc nằm ở phía Bắc Paris. Trong vụ này, các thương gia gốc Hoa bị buộc tội rửa tiền cho những trùm thuốc phiện Bắc Phi.
“Những tội phạm CEO lừa đảo – không phải người gốc Hoa – gửi tiền tới Trung Quốc bởi các nhóm tội phạm Trung Quốc tại châu Âu sẽ đưa tiền mặt cho họ. Quy mô của hoạt động này khá lớn” – ông Igor Angelini, Giám đốc Cục Tình báo Tài chính tại Europol – cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (EU), cho biết.
Điều nguy hiểm hơn là: theo các thông tin tình báo châu Âu, nhìn chung, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa làm được gì nhiều để hỗ trợ các công ty phương Tây trong việc ngăn chặn hành vi gian lận từ những CEO giả mạo.
Trong một báo cáo hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng hiệu quả điều tra các hoạt động rửa tiền của Trung Quốc là không cao. “Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ nhận thấy Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn hợp tác” – báo cáo này nêu rõ. Trong khi đó, Europol cũng không hề có thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Theo Europol, một khi các khoản tiền tới được Trung Quốc, chúng sẽ biến mất.
Hồng Anh