Trung Quốc đang vét sạch tài nguyên biển và thống trị thị trường hải sản bằng cách nào?
Trung Quốc đang bị cáo buộc sử dụng vị thế thống trị trong mảng cung cấp thủy sản để bán hải sản chất lượng thấp cũng như độc quyền đánh bắt trên vùng biển của những nước khác.
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã giữ những con mực chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước nhưng lại xuất khẩu mực chất lượng thấp với giá cao ra nước ngoài. Thêm vào đó, lượng thuyền đánh bắt hùng hậu của Trung Quốc đang làm tổn thương đến tài nguyên hải sản tại vùng biển của các quốc gia láng giềng.
Số liệu chính thức cho thấy những tàu đánh cá của Trung Quốc chiếm 50-70% lượng mực đánh bắt tại các vùng biển quốc tế trong những năm gần đây, qua đó thống trị nguồn cung mực trên thị trường toàn cầu.
Tình trạng này khiến nhiều chuyên gia phải lo lắng cho thị trường hải sản quốc tế. Giá thủy sản Mỹ nhập từ Trung Quốc đã tăng nhưng chất lượng bình quân lại đi xuống, trong khi nhiều quốc gia than phiền về sự suy giảm tài nguyên biển do các tàu cá Trung Quốc đánh bắt quá nhiều.
Bản đồ đánh bắt thủy sản tại các vùng biển trên thế giới của tàu cá Trung Quốc theo sản lượng (triệu tấn) và giá trị (tỷ USD). Tổng cộng Trung Quốc đánh bắt khoảng 4,6 triệu tấn thủy sản/năm, cao gấp 12 lần so với số lượng thực báo lên Liên Hiệp Quốc.
Tổng trọng tải tàu đánh bắt thủy sản của Trung Quốc ngày một lớn so với toàn cầu (triệu tấn)
Chiến lược thủy sản
Đối với chính quyền Bắc Kinh, đánh bắt mực không đơn thuần chỉ là khai thác thủy sản. Việc dò tìm và khai thác mực cũng như những nguồn tài nguyên thủy sản khác với mức độ như hiện nay của Trung Quốc đòi hỏi công nghệ, tài chính và một hệ thống tổ chức có quy mô vô cùng lớn từ chính phủ. Đó là chưa kể việc khai thác tại các vùng biển quốc tế cũng như khu vực tranh chấp cần tới sự hiện diện của hải quân.
Bên cạnh đó, nhu cầu thủy sản trên thế giới cao cũng kích thích ngư dân Trung Quốc khai thác và đánh bắt. Số liệu của Tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy thế giới tiêu thụ hơn 2,7 triệu tấn mực mỗi năm, tương đương mỗi người tiêu thụ ít nhất một đĩa mực hàng năm.
Món mực không đơn thuần chỉ là một loại ẩm thực mà nó còn đóng vai trò làm nên văn hóa ăn uống tại nhiều quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu cao này, hàng nghìn tàu đánh cá của Trung Quốc đã ra khơi với thiết bị tối tân được chính phủ hỗ trợ để đánh bắt nguồn tài nguyên đầy lợi nhuận trên.
Mỗi chiếc thuyền đánh bắt mực của Trung Quốc sẽ mang theo lưới gắn đầy móc câu cùng đèn phát sáng, thả xuống khoảng 100m dưới mặt nước. Những chiếc đèn sẽ thu hút mực và chúng sẽ bị bẫy vào các móc.
Phương pháp đánh bắt này được ngư dân Nhật Bản phát minh sau Thế Chiến II và được sử dụng rất nhiều bởi ngư dân Trung Quốc những năm gần đây. Tuy vậy, cách đánh bắt này sẽ tổn hại rất lớn đến tài nguyên biển bởi chúng gần như "vét sạch" nguồn thủy sản chứ không riêng gì mực.
Đánh bắt mực ở Trung Quốc
Mỗi tuần, hàng trăm chủ những chiếc tàu đánh bắt như vậy sẽ nhận được thông tin về số lượng, hướng di chuyển của đàn mực trên vùng biển quốc tế từ chính phủ. Theo nghiên cứu của trường đại học Hải dương Thượng Hải, vòng đời của mực khá ngắn nên việc dự đoán và dò tìm khu vực đánh bắt mực đòi hỏi công nghệ cao và nguồn tài chính lớn.
Thông thường, vòng đời của mỗi con mực không quá 1 năm, khiến các nhà nghiên cứu khó nắm bắt được thông tin chứ chưa nói gì đến việc dự đoán khu vực đánh bắt với số lượng lớn. Tuy vậy, dự báo của chính phủ cho khu vực đánh bắt mực lại chính xác đến 70-90% do sử dụng vệ tinh và hệ thống phân tích dày đặc.
"Chúng tôi đã tìm được khá nhiều loài mực mới trong những năm gần đây và có thể sẽ còn nhiều loài mới nữa được tìm thấy trong tương lai", một nghiên cứu viên tại trường đại học Hải Dương Thượng Hải giấu tên cho biết.
Bên cạnh những dự án nghiên cứu, dò tìm tài nguyên mực, Trung Quốc cũng đã chi hàng tỷ Nhân dân tệ mỗi năm để trợ giá dầu diesel cho các tàu cá, giúp ngư dân xây tàu lớn hơn, thuận tiện hơn cho đánh bắt xa bờ. Thậm chí chính phủ còn gửi những tàu y tế theo các đội tàu đánh bắt để chăm lo sức khỏe cho ngư dân nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Đèn đánh bắt thủy sản tải vùng biển quốc tế gần vùng biển Argentina vào ban đêm nhìn từ vệ tinh, phần lớn trong số đó là tàu Trung Quốc
Đèn tàu đánh bát thủy sản ban đêm tại vùng biển giữa Đài Loan và Trung Quốc
Kiểu đánh bắt "vét sạch"
Theo giáo sư Enric Sala, trưởng dự án Pristine Sea của Hiệp hội địa chất quốc gia Mỹ (NGS), các tàu cá Trung Quốc chiếm tới 60% giá trị đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là nghiên cứu của giáo sư Sala cho thấy ngành đánh bắt thủy sản, nhất là mực của Trung Quốc đang khiến quốc gia này mất tiền nếu xét theo góc độ kinh tế. Việc gửi tàu đánh bắt ra xa tận những khu vực như Argentina khiến nguồn lợi đánh bắt không bù được chi phí vận hành. Phần lớn những tàu đánh bắt này được nhà nước hỗ trợ và mang nhiều thông điệp khá hơn là chỉ đánh bắt mực.
Việc đánh bắt quá nhiều, quá xa của Trung Quốc cùng chính sách trợ giá đã khiến nhiều nước phải than phiền. Tại Hàn Quốc, hãng truyền thông Yonhap News cho biết giá mực đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Những ngư dân của nước này cáo buộc Trung Quốc đánh bắt quá nhiều tại vùng biển phía Đông và khiến tài nguyên mực giảm sút trên diện rộng, qua đó ảnh hưởng đến vùng biển Hàn Quốc.
"Chúng tôi chỉ đánh bắt được bằng 15% so với các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đánh bắt bằng đèn theo cách truyền thống, nhưng những tàu Trung Quốc thì gần như vét sạch cả biển với dàn tàu hùng hậu của họ", anh Park Jung Gwi, một ngư dân Hàn Quốc tại cảng Sokcho nói.
Anh Park cho biết thu nhập của mình đã giảm 60% trong những năm gần đây do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ tàu Trung Quốc, qua đó khiến anh gặp khó khăn ngay cả cho cho việc thanh toán chi phí dầu diesel.
Số liệu của Viện hải dương Hàn QUốc (KMI) cho thấy lượng mực đánh bắt được tại Hàn Quốc đã giảm 48% trong khoảng 2003-2017 xuống chỉ còn 122 nghìn tấn. Tệ hơn, lượng mực đánh bắt bởi ngư dân Nhật Bản cũng giảm 73% xuống 68 nghìn tấn trong cùng kỳ.
Tàu Trung Quốc đánh bắt mực tại vùng biển quốc tế
Trung Quốc bắt đầu đánh bắt tại vùng biển phía đông gần Hàn Quốc từ năm 2004 với chỉ 140 tàu, nhưng hiện nay con số này đã lên đến 1.238 tàu.
Tính đến năm 2016, Trung Quốc đã có 3.400 tàu đánh cá cỡ lớn trên vùng biển quốc tế, trải rộng ở hơn 93 quốc gia, cao hơn rất nhiều so với đội tàu cá chỉ 200 chiếc của Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc là nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới trong khi nhu cầu thủy sản bình quân đầu người trong nước tại đây tăng tới 600%.
Báo cáo của World Wildwill Fund (WWF) cho thấy nếu Trung Quốc tiếp tục đà đánh bắt như hiện nay, tài nguyên thủy sản toàn cầu sẽ hầu như cạn kiệt vào năm 2048.
Sức mạnh mềm
Hàng năm, quan chức của các nước đánh bắt và tiêu thụ mực lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật bản, Argentina, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha… sẽ ngồi lại và thảo luận bao nhiêu tầu cá sẽ được đánh bắt tại các vùng biển quốc tế. Mục tiêu của hội nghị là giảm tranh chấp cũng như bảo tồn tài nguyên biển.
Tuy vậy, Trung Quốc thường được hưởng lợi từ những hội nghị này bởi chính phủ đầu tư rất nhiều cho việc dự báo nguồn tài nguyên mực, qua đó dự đoán chính xác được những khu vực họ cần tập trung khai thác.
Thậm chí, phía Đài Loan đã gửi đại diện ngành của mình sang Trung Quốc để nhận những dự báo về tài nguyên mực, và đây là lý do không có nhiều phàn nàn từ phía ngư dân của nơi này.
"Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào thông tin đánh bắt, bởi vậy không ai dám đứng lên chỉ tay và nói ‘các ngài là những kẻ bắt nạt’", một người trong ngành giấu tên nói khi phỏng vấn với tờ South China Morning Post.
Sức mạnh thủy sản của Trung Quốc hiện đã lan sang tận Phương Tây khi số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho thấy Mỹ nhập khẩu kỷ lực lượng mực từ Trung Quốc năm 2016 bất chấp mức giá tăng 30%.
Một thương gia nói với tờ Undercurrent News rằng dù sản lượng nhập khẩu tăng nhưng chất lượng mực từ Trung Quốc lại đi xuống. Thông thường hàng năm, mỗi con mực nhập chỉ chứa khoảng 10% nước thì hiện chúng chứa khoảng 30-50% nước, khiến giá tăng nhưng số lượng thực lại giảm.
"Những hàng chất lượng tốt luôn được bán tại thị trường nội địa Trung Quốc còn hàng chất lượng thấp sẽ được xuất sang thị trường Mỹ", vị thương nhân giấu tên này nói.
Một thương nhân khác tại Châu Âu cũng cho tờ Post biết rằng chất lượng mực nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm và khá nhiều khách hàng than phiền, tuy nhiên do giá rẻ nên chúng vẫn được nhập.
"Mực nhập từ Trung Quốc có chất lượng kém hơn mọi loại mực đánh bắt ở Châu Âu. Thông thường tôi không khuyến khích mọi người mua chúng", vị thương nhân này cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc marketing của hãng kinh doanh thủy sản trực tuyến Huacai Zhaoyu thừa nhận mực chất lượng cao được bán cho nội địa và những nơi chấp nhận trả giá cao như vùng Viễn Tây trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi khách hàng thường ăn sống mực.
"Chẳng có sự phân biệt nào ở đây cả, thứ tốt nhất được bán cho những khách hàng trả giá cao nhất. Đây là thương mại tự do và nó công bằng cho tất cả mọi người", anh Zhang nói.
Chợ mực tại Trung Quốc
Băng Tâm