Trung Quốc chi hơn nửa tỷ USD để mua 1,13 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam
Ảnh minh họa |
Kỳ vọng nhu cầu sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc sẽ khả quan hơn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2024, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1.310.363 tấn, mang về 593,060 triệu USD, trong đó, mặt hàng sắn đạt 321.955 tấn, trị giá 84,282 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu các mặt hàng này giảm 8,16% về lượng nhưng tăng 6,24% về kim ngạch, nhờ giá bán tăng 16,2%, tương đương 451,4 USD/tấn.
Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICaAs) cho biết, hiện các nhà máy ở khu vực phía Bắc và miền Trung đã dừng sản xuất, nhưng lượng sắn tươi vẫn được nhà máy thu mua dùng cho các mục đích khác như: Làm sắn lát, bột thủ công, … trong khi đó, một số nhà máy khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh còn sản xuất nhưng chạy cầm chừng. Xuất khẩu tinh bột sắn biên mậu đình trệ, giá xuất khẩu thấp nên các doanh nghiệp có xu hướng chuyển hướng xuất khẩu qua đường biển nhiều hơn.
Trung Quốc chủ yếu mua tinh bột sắn của Việt Nam với mức giá dưới 500 USD/tấn, và thị trường kỳ vọng nhu cầu mặt hàng này ở Trung Quốc sẽ khả quan hơn trong tháng 7 để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Trung thu.
Sản lượng sắn lát nhập khẩu vào Trung Quốc từ đầu năm 2024 đến nay giảm rõ rệt (giảm tới 40% so với bình quân 3 năm gần đây). Nguyên nhân được cho là nhu cầu sử dụng của các nhà máy Trung Quốc giảm, thêm vào đó, giá ngô thấp nên các nhà máy tăng tỷ lệ ngô thay cho sắn lát. Dự báo, các nhà máy Trung Quốc sẽ mua hàng trở lại khoảng từ tháng 7/2024, do tồn kho hàng sắn lát tại Trung Quốc sẽ cạn dần.
Cục Xuất khẩu nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, tháng 5, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam tiếp tục giảm, lượng xuất khẩu đạt thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc và Hàn Quốc, chỉ có Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng, còn Trung Quốc thì giảm sâu về lượng lẫn trị giá so với cùng kỳ.
Cụ thể, tháng 5/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70,11% tổng lượng xuất khẩu của cả nước đạt 83,03 nghìn tấn, trị giá 38,55 triệu USD. So với tháng 5/2023, giảm 51,4% về lượng và giảm 45,2% về trị giá.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 509,03 triệu USD, giảm 7% về lượng nhưng tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ.
Chất lượng sản phẩm - yếu tố để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Theo VICaAs, sản lượng sắn lát nhập khẩu vào Trung Quốc từ đầu năm tới nay giảm đến 40% so với bình quân 3 năm gần đây.
Nguyên nhân được cho là nhu cầu sắn lát của các nhà máy Trung Quốc giảm, thêm vào đó, giá ngô thấp nên họ ưu tiên sử dụng ngô thay cho sắn lát. Dự báo, nhà máy sẽ mua sắn lát trở lại từ khoảng tháng 7, do tồn kho hàng tại Trung Quốc sẽ cạn dần.
Các thương nhân xuất khẩu tinh bột sắn cho biết, nhu cầu khảo giá từ các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc khá nhiều, nhưng đàm phán được giá và lượng giao dịch thành công với nhà máy Việt Nam vẫn còn hạn chế. Giá chào bán tinh bột sắn từ các nhà máy Việt Nam đang giảm 5 USD/tấn so với tuần trước, khoảng 505 - 520 USD/tấn, giá FOB cảng TP. Hồ Chí Minh.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia là các thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Đáng lưu ý, lượng sắn lát nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia lại tăng.
Mặc dù giảm nhưng Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Thái Lan, với 533,19 nghìn tấn, trị giá 278,63 triệu USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam chiếm 38,84% trong tổng mua của Trung Quốc, cao hơn so với mức 36,11% so với cùng kỳ.
“Tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Lào, Indonesia và Campuchia. Để có thể cạnh tranh “sòng phẳng với các nước, nhất là Thái Lan, khi xuất khẩu các sản phẩm này vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh và giữ vững thị phần tại quốc gia tỷ dân này”, đại diện Cục XNK cho biết.