Khác biệt trong cách nhập khẩu gạo của Trung Quốc
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan công bố gần đây, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,025 triệu tấn gạo, mang về 2,559 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và 33,6% về trị giá xuất khẩu.
Top các thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam hiện nay lần lượt là: Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Trong đó, Philippines vẫn là thị trường chiếm vị trí đầu bảng, với lượng gạo xuất khẩu đạt 1,832 triệu tấn, mang về 1,142 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước tăng 19,57% về lượng và tăng 47,8% về trị giá. Chiếm tỷ lệ 45,50% về lượng và 44,61% về trị giá xuất khẩu gạo của cả nước.
Thứ hai là thị trường Indonesia với khối lượng gạo xuất khẩu đạt 676.762 tấn gạo, trị giá 424,105 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 1,70 lần về lượng và tăng 2,33 lần về kim ngạch. Xuất khẩu gạo vào Indonesia tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp đấu thầu giành được các hợp đồng xuất khẩu.
Thị trường Malaysia đứng thứ ba với lượng gạo nhập khẩu đạt 337.963 tấn, trị giá 202,649 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 1,82 lần về lượng và tăng 2,50 lần về trị giá.
Trung Quốc đứng thứ 4 với lượng gạo nhập khẩu đạt 203.413 tấn, mang về 119.142.708 USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 67,83% về lượng và 67,28% về kim ngạch.
Suốt nhiều năm liền, thị trường tỷ dân luôn đứng vị trí thứ hai về nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tuy nhiên 5 tháng qua, Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ tư, đứng sau Philippines, Indonesia và cả Malaysia.
Phân tích về tình hình nhập khẩu gạo tại thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho biết, nhập khẩu gạo ở Trung Quốc không giống như các thị trường khác, hàng năm nước này cho đấu thầu quota gạo, hình thức mua gạo này không phải là nhà nước hay tư nhân.
Ví dụ, năm 2024, Trung Quốc phân bổ quota nhập khẩu gạo từ Việt Nam 1 triệu tấn, họ sẽ chia ra mỗi quý 200.000 tấn, 300.000 tấn thậm chí có thể lên 400.000 tấn/quý, con số này cao hay thấp tùy thuộc vào mùa vụ ở nước họ.
Sau đó, cơ quan phụ trách vấn đề này sẽ tổ chức đấu thầu quota nhập khẩu gạo, mỗi quota là 100.000 tấn, trong đó, họ lại chia nhỏ ra thành 10 gói, tương đương 10.000 tấn gạo. Doanh nghiệp nào bỏ thầu giá cao nhất sẽ được Nhà nước Trung Quốc giao quyền nhập khẩu gạo.
Từ trước đến nay, hàng năm Chính phủ Trung Quốc sẽ có nhiều quota nhập khẩu gạo, và được phân chia theo từng quý. Giá đấu thầu quota tùy vào các thương nhân Trung Quốc, nếu có đầu ra hoặc dự đoán tình hình thị trường sẽ tốt lên họ sẵn sàng mua quota với giá cao hơn, tiền bán quota được nộp vào ngân sách nhà nước. Sau khi có quota, các thương nhân Trung Quốc sẽ qua Việt Nam tìm mua gạo.
Trường hợp mùa vụ ở Trung Quốc không khả quan chính phủ sẽ tăng lượng quota nhập khẩu gạo lên, nhưng nếu mùa vụ trong nước tốt họ sẽ giảm lượng quota, và lượng gạo nhập khẩu bao nhiêu sẽ do Bộ Thương mại của Trung Quốc quyết định. Khi đó họ sẽ mở thầu quota nhập khẩu gạo Việt Nam, thương nhân nào trúng thầu với giá cao thì sẽ được nhà nước cấp quota.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn gắn nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho các thương nhân, chính phủ không dùng ngân sách nhà nước để mua gạo dự trữ, mà họ dùng tiền đó làm đòn bẩy và cho thương nhân vay mua gạo. Sau đó, yêu cầu mỗi thương nhân phải có một lượng gạo nhất định nhập vào kho gạo của chính phủ để bảo đảm cho nguồn dự trữ quốc gia. Doanh nghiệp nào muốn lấy gạo từ kho dự trữ ra bán thì phải nhập vào kho một lượng tương đương với lượng xuất ra.
Để bảo đảm chất lượng gạo luôn ổn định, các kho dự trữ này được Chính phủ Trung Quốc đầu tư kho mát và gạo luôn được giữ ở điều kiện khoảng từ 22 đến 27°C. Nhờ vậy hàng hóa luôn được đảm bảo chất lượng.
“Qua cách làm này, Chính phủ Trung Quốc có nguồn dự trữ gạo quốc gia ổn định nhưng không mất tiền mua, họ dùng nguồn tiền đó cho thương nhân vay tiền với lãi suất ưu đãi”, ông Thành nói.
Nhận định về thương mại gạo ở thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, ông Thành cho rằng, thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ tiêu thụ gạo thơm cao cấp, như: Gạo ST 21, ST 25, RVT và nếp, nên các loại gạo này luôn được thị trường ưu tiên mua, và hiện nay giá bán các loại gạo này vào Trung Quốc cũng rất tốt.
“Thị trường Trung Quốc chỉ nhập khẩu các loại gạo thơm cao cấp, thứ nhất là đối với loại gạo ST 25, họ đang mua vào với giá hơn 1.100 USD /tấn, đối với gạo ST 21 và RVT thị trường này cũng rất ưa chuộng và giá bán đang trên 800 USD/tấn”, Giám đốc Công ty Phước Thành IV cho biết.