Trung Quốc: 16 học sinh nhiễm HIV phải ngồi làm bài thi đại học trong phòng cách ly
Các em học sinh ở trường Khăn Quàng Đỏ Lâm Phần đang ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Trường Khăn Quàng Đỏ Lâm Phần, cơ sở thi duy nhất ở Trung Quốc dành cho học sinh nhiễm HIV được thành lập cách đây hơn chục năm. Ngôi trường này luôn là ngôi nhà thứ 2 của các em học sinh dương tính với HIV, tránh xa sự kỳ thị và chối bỏ của xã hội và thậm chí là của chính gia đình các em.
Hầu hết 33 học sinh của trường đều bị nhiễm HIV từ mẹ khi vừa chào đời. Do thiếu hiểu biết về loại virus này, nhiều ngôi làng đã kêu gọi trục xuất các em ra khỏi làng xã vì sợ bị lây nhiễm.
Trong kỳ thi Gao Kao, Lâm Phần phải có giấy phép đặc biệt mới có thể để học sinh của họ dự thi tại trường. Những học sinh khác sẽ phải nộp hồ sơ ở những trung tâm lớn, đã được chỉ định tổ chức thi.
Công an giám sát các phòng thi tuyển sinh vào Đại học (ngày 7/6 tại Thiên Tân, Trung Quốc).
Hiệu trưởng trường Lâm Phần, ông Cao Tiểu Bình trả lời báo chí Trung Quốc rằng: “Sở giáo dục địa phương sẽ cho phép những em học sinh này tham dự kỳ thi cùng những thí sinh bình thường khác nhưng bố mẹ những thí sinh bình thường có thể sẽ phản đối quyết định này”.
Ông Cao cũng nói với Sixth Tone rằng, trường ông thậm chí đang cố gắng thu xếp để học sinh của trường có tên ở một trường khác trong hồ sơ tốt nghiệp với hy vọng giúp các em thoát khỏi sự kỳ thị khi tốt nghiệp.
Lời kêu gọi khẩn thiết: cần nâng cao nhận thức về HIV và AIDS
Sau khi truyền thông đưa tin về việc các học sinh trường Lâm Phần phải thi ở những phòng cách ly, cuộc tranh luận về vấn đề này đã bùng phát dữ dội trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Tại đây, một số người kêu gọi người dân ở quốc gia này cần nâng cao nhận thức về HIV/AIDS.
Sixth Tone trích dẫn lời của ông Diệp Thành Giang, Giám đốc Trung tâm LGBT Quảng Châu cho rằng, “Phản ứng của người dùng mạng cho thấy, không ít người không đồng tình với việc xa lánh người nhiễm HIV”.
Trung tâm của ông là một trong các tổ chức phi chính phủ đang cố gắng giáo dục người dân Trung Quốc hiểu hơn về HIV/AIDS. Đây là một nhiệm vụ khó khăn vì họ phải phổ cập kiến thức đến một tỷ người dân trong khi họ chỉ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản.
Nhiều người dùng mạng Weibo cho rằng, việc cho học sinh nhiễm HIV làm bài ở phòng cách ly không thể bảo vệ các thí sinh đó khỏi sự kì thị và phân biệt đối xử.
Một người khác nhận xét: “Khi nói đến HIV ở Trung Quốc, nhiều người tỏ ra rất mơ hồ, thậm chí họ còn không biết các thuốc phòng chống AIDS. Các phương tiện truyền thống chỉ nói về việc phòng ngừa AIDS vào ngày Quốc tế AIDS. Mặc dù chúng ta có rất nhiều buổi nói chuyện công khai trong chiến dịch gây quỹ nhưng thực tế là chúng ta không hề cảm nhận được điều tồi tệ gì đang diễn ra.”
“Chúng ta nên thường xuyên quan tâm, chăm sóc những người mắc bệnh HIV, thay vì tuyên truyền rầm rộ vào ngày hôm trước rồi lãng quên ngay vào ngày hôm sau”.
Một người dùng mạng Weibo khác đồng tình với ý kiến trên và cho rằng: “Nhiều người không hiểu cách thức lây truyền của HIV và họ rất sợ hãi. HIV không lây truyền khi chúng ta ôm, hôn hay cùng dùng bữa với người bệnh. Vì thế, chúng ta không cần thiết phải hoảng sợ. Bạn không có quyền phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Bị mọi người tẩy chay còn đau đớn hơn bị dày vò bởi bệnh tật”.
Hiệu trưởng Cao luôn cho rằng, sự tách biệt của trường Lâm Phần mang lại lợi ích cho học sinh. Ông đã bảo vệ ngôi trường của mình trong một bản tin. Ông nói: “Nếu không có chúng tôi, những đứa trẻ đó thậm chí không có cơ hội đến trường. Tôi hy vọng, vào một ngày, đất nước chúng ta sẽ không phân biệt đối xử với những người đang sống cùng với HIV/AIDS. Và khi đó, trường chúng tôi cũng không cần phải tồn tại nữa”.
Minh Phương Spiderum