Trung-Nhật muốn lập đường dây nóng về tranh chấp trên biển
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm nay (10/11) - Ảnh: Reuters.
Hãng tin BBC cho biết, cuộc gặp của các quan chức an ninh hai nước đang diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, trước thềm một cuộc đối thoại bên với sự tham gia của Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào ngày thứ Bảy tuần này.
Đối thoại an ninh Trung-Nhật lần gần đây nhất diễn ra vào năm 2011. Sau đó, mối quan hệ song phương của hai cường quốc khu vực trở chuyển xấu do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho rằng Tokyo không chịu khắc phục đầy đủ những hậu quả do phát xít Nhật gây ra trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ Trung-Nhật đã dần được cải thiện. Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đối thoại an ninh lần này là thiết lập một đường dây nóng về tranh chấp trên biển.
Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama nói hai bên hy vọng sẽ “chú trọng thảo luận về các dự định và cân nhắc phía sau chính sách quốc phòng của mỗi nước”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao thì nói rằng Bắc Kinh hy vọng hai nước sẽ “nhìn thẳng vào lịch sử và hướng tới tương lai”.
Cuộc gặp ngày hôm nay (19/3) giữa quan chức an ninh hai nước Trung Quốc và Nhật Bản được xem là sự nối tiếp những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trong những tháng gần đây.
Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh. Tại đây, cái bắt tay lạnh lùng giữa hai nhà lãnh đạo đã lọt vào ống kính của giới truyền thông quốc tế.
Tuy vậy, vào thời điểm đó, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí thiết lập một cơ chế giải quyết khủng hoảng trên biển.
Ngoài vấn đề lãnh thổ, Trung Quốc cũng đã đưa ra với phía Nhật vấn đề thay đổi chính sách quốc phòng của Tokyo kể từ khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền.
Nhật Bản giữ quan điểm bảo vệ việc nước này thay đổi diễn giải hiến pháp hòa bình nhằm cho phép sử dụng lực lượng để bảo vệ đồng minh trong trường hợp bị tấn công, gọi đây là “tự vệ tập thể”. Trong khi đó, Trung Quốc từng cáo buộc Nhật “tái quân sự hóa”.
Theo vneconomy