Trồng cao su tại Lào tiếp tục có hiệu quả trong những năm tới
-Thưa ông, nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ Việt Nam - Lào, xin ông cho biết những nét khái quát về tình hình đầu tư của Tập đoàn CNCSVN tại Lào cho đến nay?
Tập đoàn đã thành lập 6 Công ty tại Lào gồm: Công ty TNHH Bolykhamxay Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay, Công ty TNHH Cao su Quavan, Công ty TNHH Quasa Geruco, Công ty TNHH Cao su Việt Lào và Công ty TNHH Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào.
Địa điểm đầu tư nằm trên địa bàn 5 tỉnh biên giới giữa nước CHDCND Lào và Việt Nam, gồm: Oudomxay, Bolykhamxay, Salavan, Savanaket và Champasak.
Hiện tại tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 254,54 triệu USD; Tổng vốn đã đầu tư (đến 31/12/2021) đạt 175,85 triệu USD.
Về quy mô thì hiện tổng diện tích cao su là 26.368,43 ha; diện tích cao su đã đưa vào khai thác ước 21.750,25 ha ; Tổng sản lượng cao su khai thác lũy kế đến 31/12/2021 đạt 236.177 tấn, trong đó năm 2021 là 35.734 tấn; Tổng giá trị cao su xuất khẩu lũy kế đến 31/12/2021 đạt 366,63 triệu USD, trong đó năm 2021 đạt 63,37 triệu USD, dự kiến năm 2022 đạt 64,61 triệu USD.
Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước lũy kế đến 31/12/2021 đạt 16,06 triệu USD, trong đó năm 2021 là 2,28 triệu USD.
Các dự án trông cây cao su tại Lào đang cho kết quả rất tích cực. |
Hiện nay, Tập đoàn đã đầu tư 3 nhà máy chế biến mủ tại Công ty CP Cao su Việt Lào với công suất thiết kế là 13.000 tấn/năm, vận hành từ năm 2013; tại Công ty CP Dầu tiếng Việt Lào với công suất chế biến 6.000 tấn/năm và nhà máy chế biến tại Công ty CP Quasa Geruco với công suất 15.000 tấn/năm, đã đưa vào hoạt động cuối năm 2021.
Tổng số lao động thực hiện tại các dự án trong năm 2021 là 5.580 người, mức lương bình quân đạt từ 3-3,2 triệu KIP/người/tháng; Các doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội trong vùng dự án như làm đường, trường học, trạm xá, giúp tôn lợp, hệ thống đường dây điện, khoan giếng,… và nhân dân vùng bị thiên tai đạt khoảng 37.814 triệu KIP, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án và quan trọng nhất là đã thay đổi được tập quán sống du canh du cư, dần quen với định canh, định cư, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, quy mô công nghiệp.
-Cao su là ngành đặc thù, muốn thành công thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, thời tiết…việc đầu tư tại Lào của Tập đoàn có gặp phải những khó khăn gì về mặt tự nhiên không, thưa ông?
Về thời tiết cơ bản là phù hợp với sinh trưởng cây cao su, các khu vực trồng cao su nằm sâu trong nội địa nên không bị ảnh hưởng của bão, lũ. Tuy nhiên trong thời gian gần đây thời tiết diễn biến tiêu cực hơn, thường xuất hiện lốc xoáy làm gãy đổ cao su, tuy nhiên mức độ vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của quy trình kỹ thuật.
Về thổ nhưỡng không có nhiều giới hạn với cây cao su, tương tự các vùng sinh thái khác, với quy mô diện tích dự án lớn, luôn có một số diện tích có biến đổi thổ nhưỡng cục bộ, có diện tích không phù hợp nằm xen trong vùng dự án nhưng chiếm tỷ lệ không lớn, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của dự án.
Giới hạn lớn nhất là địa hình, phần lớn là đồi núi, hệ thống hạ tầng của Lào chưa phát triển nên ít nhiều gây khó khăn trong tổ chức sản xuất, vận chuyển vật tư, hàng hoá, sản phẩm…
-Đánh giá tổng quan thì đến thời điểm này hiệu quả đầu tư của Tập đoàn ở Lào đang ở mức nào, thưa ông?
Do tác động của Chỉ thị số 13/TTg ngày 11/6/2013 của Chính phủ Lào về việc tạm dừng xem xét và cấp phép đối với các dự án khoáng sản và trồng cao su, bạch đàn, đã ảnh hưởng đến chương trình phát triển trồng 100.000 ha cao su theo Thỏa thuận của Chính phủ hai nước và ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đầu tư của Tập đoàn. Hiện nay với quy mô chỉ hơn 26.000 ha, chỉ chiếm hơn 5% diện tích cao su toàn Tập đoàn, việc đầu tư ở Lào không có tác động lớn đến hiệu quả chung của Tập đoàn.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay đã khẳng định tính hiệu quả trong việc đầu tư ở khu vực. Hiện đã có lợi nhuận và chia cổ tức dù hiện nay giá mủ cao su thấp; vườn cây có chất lượng tốt, có vườn cây năng suất tương đương khu vực truyền thống ở Đông Nam bộ, vườn cây đang trong xu hướng tăng năng suất nên giá thành sẽ giảm, các công ty đã thích ứng được môi trường kinh doanh ở Lào...nên hiệu quả sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
-Thưa ông, để việc đầu tư - sản xuất đạt hiệu quả cao hơn nữa, Tập đoàn CNCSVN có kiến nghị gì với Chính phủ nước bạn để qua đó có được cơ chế chính sách phù hợp?
Khó khăn khi đầu tư tại Lào là một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, ví dụ như công tác quản lý, bảo vệ vườn cây: Chính quyền cấp giấy phép thu mua mủ cho nhiều đơn vị mua mủ trong vùng dự án, làm ảnh hưởng công tác quản lý điều hành sản xuất của công ty; Môi trường sinh thái trong vùng dự án bị ảnh hưởng do các đơn vị thu mua nhỏ lẻ không xử lý nước thải.
Thêm nữa là vấn đề lao động, đây là một trở ngại đối với các dự án sử dụng nhiều lao động như các dự án của Tập đoàn. Tại các vùng dự án chúng tôi đang triển khai, lực lượng lao động vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về kỹ năng và ý thức tác phong lao động công nghiệp… Tập đoàn đã chỉ đạo cho các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động như: đào tạo tay nghề, tạo việc làm thu nhập ổn định, cấp chỗ ở cho các hộ gia đình công nhân, xây dựng cụm dân cư trong vùng dự án và thực hiện các chính sách xã hội khác cho người lao động, để họ dần ổn định và gắn bó với các dự án, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Một vấn đề nữa là đất đai, cụ thể là ký kết hợp đồng thuê đất với Chính phủ Lào và các thủ tục pháp lý về triển khai dự án. Tập đoàn hiện đang khó khăn trong việc giải quyết vấn đề người dân giáp biên lấn chiếm đất của dự án để trồng mì và sản xuất nông nghiệp khác; Hoặc vấn đề thời hạn thuê đất của các dự án không có sự thống nhất, ví dụ như: Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào thuê 10.000 ha, thời gian thuê là 50 năm; Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào thuê 6.712 ha, thời gian thuê là 40 năm; Công ty CP Quasa Geruco thuê 8.743 ha, thời gian thuê là 30 năm…
Và vấn đề rất quan trọng nữa là thuế, cụ thể là chậm hoàn thuế VAT đầu vào hay thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chưa được xử lý thỏa đáng. Riêng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng tại là 24%, cao hơn ở Việt Nam (20% chưa tính ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, khu vực đầu tư)…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Tập đoàn CNCSVN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số nội dung cụ thể là: Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Quan tâm hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả;
Có chương trình hỗ trợ, tuyên truyền chính sách thuế, mở các lớp đào tạo chuyên môn, tập huấn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực về thực hiện nghĩa vụ thuế, các chế độ chính sách của Lào; Đề nghị phía Lào xem xét cải cách thủ tục cấp Giấy phép hành nghề nông lâm nghiệp: đề nghị điều chỉnh thời hạn cấp Giấy phép kinh doanh Nông lâm nghiệp từ 1 năm lên 5 năm và cho phép gia hạn tại Sở Nông Lâm như những năm trước đây. Đồng thời giảm các thủ tục, các bước trung gian để góp phần thúc đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu các thiết bị, máy móc phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su, xây dựng các công trình khác của Tập đoàn tại Lào;
Và cuối cùng đề nghị Chính phủ Lào xem xét điều chỉnh thời hạn thuê đất là 50 năm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện đủ 2 chu kỳ trồng và khai thác cây cao su.
-Ông có thể cho biết những dự định trong tương lai của Tập đoàn CNCSVN tại Lào?
Đến nay, Tập đoàn không còn quỹ đất để đầu tư mở rộng diện tích trồng cao su tại Lào, chúng tôi chỉ tập trung đầu tư quản lý tốt vườn cây hiện hữu để tăng năng suất sản lượng, nâng cao chất lượng chế biến cao su thành phẩm…góp phần nâng cao hiệu quả các dự án.
Ngoài mủ cao su nguyên liệu, cây cao su còn có sản phẩm gỗ là sản phẩm có giá trị tại Việt Nam. Hiện nay hàng năm đều có một diện tích gãy đổ nhất định và trong thời gian tới một số diện tích trồng sớm sẽ đến kỳ thu hoạch gỗ. Tập đoàn đang xem xét việc xây dựng các nhà máy chế biến gỗ cao su trên địa bàn để tăng hiệu quả của cây cao su.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn