Trình Chính phủ tăng lương tối thiếu từ ngày 1/7/2024
Mức tăng được hội đồng đề xuất 6%, tương ứng tăng 200.000 - 280.000 đồng. Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2024. (Ảnh minh họa) |
Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai trong bốn năm lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng Bảy, sau kỳ điều chỉnh hồi 1/7/2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường tăng vào ngày 1/1.
Trước đó, giữa năm 2023, Hội đồng tiền lương đã họp để bàn tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Tuy nhiên, thời điểm này hội đồng chưa thể đánh giá hết được các tác động và dự báo tình hình kinh tế - xã hội thời gian tiếp theo.
Hội đồng cũng nhận thấy thời điểm trên chưa hội đủ các căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất phương án điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024.
Phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia tái khởi động ngày 20/12, bốn tháng sau lần đàm phán thứ nhất.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai mức tăng 6,48% hoặc 7,3%, từ ngày 1/7/2024, cùng lúc với cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Mức tăng căn cứ kinh tế khởi sắc, đơn hàng doanh nghiệp tăng trở lại.
Trong khi đó, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề xuất tăng 4,5-5%. Sau khi đàm phán, 16/16 thành viên Hội đồng bỏ phiếu thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá 6% là mức tăng hài hòa, chia sẻ khó khăn của cả lao động và chủ doanh nghiệp.
Thời điểm tăng được hội đồng đề xuất từ ngày 1/7, đồng bộ với chủ trương của Đảng về thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đảm bảo thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực để thực hiện.