Triển vọng từ mô hình kết nối nhân tài toàn cầu
Người xa xứ: Động lực cho sự phát triển của quê hương
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Ấn Độ - Thái Bình Dương, tại trường Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi), nói đến sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ, không thể không nhắc tới vai trò của lực lượng Ấn kiều. Vào thập niên 70, 80, chính những chuyên gia người Mỹ gốc Ấn làm việc trong lĩnh vực này đã trở thành đại diện giới thiệu tiềm năng vượt trội của người Ấn Độ ra quốc tế, đặc biệt là thung lũng Silicone (Mỹ).
Họ đã trở thành cầu nối giữa thị trường thế giới với quê hương, góp phần xây dựng nền tảng cho ngành IT Ấn Độ này từ bước đầu, trên nhiều phương diện, từ cung cấp vốn, nhân lực, cho tới tạo ra mạng lưới quan hệ, thu hút đầu tư FDI... Hiện tại, lượng kiều hối gửi về Ấn Độ hàng năm lên tới hơn 69 tỉ USD.
Phần lớn giảng viên tại Viện Hàn lâm Khoa học TQ là những người trở về từ nước ngoài. Ảnh: Viện Hàn lâm KH TQ
Trong khi đó, tại Trung Quốc, cộng đồng Hoa kiều cũng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước. Tổng FDI đổ vào Trung Quốc từ năm 1979 – 2000 chiếm 1/3 GDP trong năm 2000, hơn một nửa số tiền này đến từ Hồng Kông, và hơn 3/4 đến từ các nước Đông Á, hầu hết từ cộng đồng Hoa kiều.
Cộng đồng Hoa kiều ở Đông Nam Á, vốn vẫn chế ngự lĩnh vực tư nhân ở các nước ASEAN, là những nhà đầu tư lớn về Trung Quốc và là người môi giới cho các tác nhân kinh doanh khác. Hiện, khoảng 90% thượng mại của Indonesia với Trung Quốc liên quan đến người Indonesia gốc Trung Quốc.
Người Hoa trở về từ nước ngoài cũng chiếm một phần đáng kể trong lực lượng giảng viên, nghiên cứu tại Trung Quốc, chiếm 78% số hiệu trưởng, 62% hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ, 75% học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Kỹ thuật.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Hàn kiều đã và đang đóng một vai trò đáng kể trong thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà .
Năm 1998, Lee Chong-moon, một người Mỹ gốc Hàn đã ủng hộ 2 triệu USD cho trường Đại học danh giá Stanford, và xây dựng một chương trình giáo dục dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại chính ngôi trường này. Ông Lee cũng đã dành nhiều khoản đóng góp cho các trường ĐH Hàn Quốc, trong đó có Học viện Khoa học Kỹ thuật tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).
Ông Lee Chong-moon (giữa) đã đầu tư xây dựng các khóa học cho doanh nhân Hàn Quốc tại ĐH Stanford. Ảnh: Asia Foundation.
Theo ông Kim K.Woo, cựu chủ tịch Mạng lưới IT Hàn Quốc, Philip Hwang, một Hàn kiều đã tạo động lực cho những bước phát triển ấn tượng của các công ty lớn như Samsung, Huyndai, Daewoo, khi khuyến khích các tập đoàn này đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp máy tính.
Những nền tảng để "anh tài hội ngộ"
Sự gắn kết của kiều dân với quê hương, tinh thần đóng góp tích cực cho đất nước của kiều dân Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ là kết quả của những chính sách khuyến khích từ chính phủ.
Tại Ấn Độ, vào năm 2009, Mạng lưới Tri thức Ấn Độ toàn cầu (Global Indian Network of Knowledge) được hình thành năm 2009, để kết nối các trí thức người Ấn trên toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho họ đóng góp kiến thức, kinh nghiệm về quê nhà.
Tại quốc gia này, vào tháng 1 hàng năm, lễ kỉ niệm mang tên Pravasi Bharatiya Divas (PBD) được tổ chức nhằm cung cấp nền tảng cho cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài liên kết với Chính phủ và các cộng đồng Ấn Độ trong nước để triển khai các các hoạt động mang lại lợi ích chung. PBD cũng là dịp vinh danh những cá nhân gốc Ấn ưu tú với giải thưởng PBD Samman cao quý.
Sự kiện PBD 2019 tập trung thu hút đầu tư của Ấn kiều vào những dự án về trí tuệ nhân tạo, quản lý rác thải, năng lượng mặt trời, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Khách mời danh dự của sự kiện là Thủ tướng Mauritius, ông Pravind Jugnauth, một chính trị gia gốc Ấn.
Các trí thức Ấn kiều tại Hội nghị PBD. Ảnh: PBD
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhiều hoạt động gắn kết kiều dân với quê hương đã được quan tâm từ nhiều năm, như việc tổ chức Hội nghị các Nhà công nghiệp và Doanh nhân Hoa kiều trên thế giới hay Hội nghị Hữu nghị các Hiệp hội Hoa kiều tại hải ngoại.
Từ năm 2008, Trung Quốc cũng đã triển khai chương trình Nghìn Tài năng nhằm khuyến khích học giả và các nhà đổi mới nước ngoài, đặc biệt là người Hoa ở hải ngoại trong lĩnh vực khoa học công nghệ về làm việc tại Trung Quốc thông qua những lợi ích về tài chính cùng nhiều ưu đãi khác.
Năm 2015, “Hội nghị Hoa thương thế giới” được khởi động, kêu gọi người Hoa ở nước ngoài giúp Trung Quốc thực hiện Chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Tại Hàn Quốc, hơn 20 năm qua, một Hội thảo thường niên mang tên Lãnh đạo tương lai (Future Leaders) đã được tổ chức bởi Quỹ người Hàn Quốc tại nước ngoài (OKF) trực thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Trung bình mỗi chương trình đã kết nối hàng trăm đại biểu, khách mời, là những người Hàn sinh sống trong và ngoài nước, làm việc trong nhiều lĩnh vực. Hội thảo tập trung vào các hoạt động diễn thuyết với các diễn giả tên tuổi, tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo của thế hệ trẻ, xây dựng mối quan hệ, tăng cường mối gắn kết với quê hương.
Thanh niên gốc Hàn trong một chuyến tìm hiểu về quê hương Ảnh: hani.co.kr
Bên lề Hội thảo, thanh niên Hàn Quốc ở nước ngoài cũng được tìm hiểu sâu hơn về quê hương thông qua các hoạt động giao lưu với các hội đoàn trong nước, các chuyến tham quan các địa điểm văn hóa-lịch sử,...
Bên cạnh Quỹ người Hàn Quốc tại nước ngoài, nhiều tổ chức dành cho cộng đồng Hàn kiều thuộc các lĩnh vực, từ văn hóa, kinh tế cho tới công nghệ cũng đã được hình thành và đang hoạt động tích cực. Nhiều chương trình sự kiện gắn kết cộng đồng như Hội nghị lãnh đạo thế giới cộng đồng Hàn Quốc, chương trình giáo dục về quê hương Hàn Quốc.
P.Y