Triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản trong lòng Hà Nội” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích diễn ra tại đình Kim Ngân (42, 44 Hàng Bạc, Hà Nội) hôm 23/11 đã mang đến góc nhìn màu sắc hơn về lễ hội truyền thống của thủ đô.
Những lễ hội truyền thống tiêu biểu của thủ đô nghìn năm văn hiến được tái hiện sinh động, màu sắc qua 60 bức ảnh trong triển lãm ảnh "Di sản trong lòng Hà Nội" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích - một người dành tình yêu đặc biệt với Hà Nội và coi làng nghề là chủ đề dài hơi, xuyên suốt những tác phẩm của mình.
60 bức ảnh trong triển lãm không đơn thuần là ảnh - thỏa mãn người xem đến thưởng lãm, mà còn là 60 câu chuyện khác nhau về lễ hội truyền thống, qua đó thể hiện nếp sống sinh hoạt của dân làng, về nét đẹp trong phong tục tập quán làng quê được gìn giữ, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Mỗi bức ảnh cũng là chuyến đi của sự tìm tòi, trải nghiệm và lắng nghe những câu chuyện về những con người ngày ngày gìn giữ nét đẹp bản sắc của lễ hội tổ nghề và hội làng. Triển lãm ảnh của Lê Bích có lẽ vì thế thu hút hơn, đặc biệt hơn vì ngoài nhiệm vụ của một nhiếp ảnh gia, Lê Bích còn là người kể chuyện khi anh hiểu rất sâu về những gì mình chụp.
Với mong muốn làm sống lại những giá trị đang có nguy cơ bị phai mờ, có thể nói triển lãm 60 bức ảnh về lễ hội truyền thống của thủ đô của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đã thành công phần nào, khi không chỉ giới thiệu mà còn kích thích công chúng tìm hiểu, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ di sản độc đáo này.
|
Triển lãm ảnh "Di sản trong lòng Hà Nội" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích được tổ chức tại đình Kim Ngân (42, 44 Hàng Bạc, Hà Nội) trong khuôn khổ chào mừng ngày di sản năm 2019. |
|
Chủ đề làng quê là chủ đề dài hơi, xuyên suốt các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Bích. Trong đó, nổi bật hơn cả phải kể đến loạt ảnh lễ hội làng quê. |
|
60 bức ảnh là 60 câu chuyện khác nhau, đầy màu sắc về lễ hội tổ nghề và hội làng ở các huyện, thị xã của Hà Nội. |
|
Lễ rước kiệu trong Lễ hội 585 ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang. |
|
Lễ hội làng gốm cổ truyền Bát Tràng được tổ chức hàng năm vào ngày 14-15/2 âm lịch tại đình Bát Tràng (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Lẽ hội nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống và thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân địa phương. Trong hội có lễ Cấp Thủy lả nghi thức rước nước thiêng từ sông Hồng về Đình làng Bát Tràng và Lễ Tam Sinh dâng lên cúng Thánh. |
|
Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc diễn ra từ mùng 9-12 tháng Giêng, tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Thành hoàng làng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng Trong lễ hội có điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” do các chàng trai trong làng Triều Khúc giả gái thực hiện. |
|
Thanh niên làng Triều Khúc biểu diễn điệu múa "Con đĩ đánh bồng" tại triển lãm, thu hút sự chú ý đặc biệt của người xem. |
|
Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Sau này, điệu múa trở thành nét đặc trưng trong hội làng Triều Khúc. Nét độc đáo của điệu múa này là trai giả gái với mặt hoa da phấn, động tác uyển chuyển, mềm mại. |
|
Mỗi dịp đầu xuân từ ngày mùng 4 đến mùng 7 Tết Nguyên đán, hội vật làng Mai Động được tổ chức tại khu vực đình Nghè làng Mai Động. Trải qua nhiều năm tổ chức, hội vật làng Mai Động đã trở thành nơi lưu giữ những tinh túy văn hóa dân gian ngay trong lòng thủ đô. |
|
Hàng năm vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Cổ Loa khai hội tại đền thờ An Dương Vương (xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Đây là dịp để nhân dân tưởng nhớ công lao của đức vua An Dương Vương – người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và là vị vua có công xây thành Cổ Loa. |
|
Xuân Đỗ là một làng cổ, nằm bên bờ Bắc sông Hồng, thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Lễ hội truyền thống diễn ra ở Đình Xuân Đỗ Hạ nhằm để tưởng nhớ và biết ơn những vị thánh có công với nước, với dân làng, đã được nhân dân thờ thành Thành Hoàng làng. Hội diễn ra 2 ngày: mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có các lễ: Lễ rước nước, Lễ Mộc Dục, Lễ Tế Gian Quan, Rước - Đám rước, Đại tế, Lễ Túc trực. |
|
Đặc biệt trong hội có màn rước và xoay kiệu thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. |
|
Lễ hội đền Bạch Mã, quận Hoàn Kiếm. |
|
Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn 2018. Lễ hội diễn ra với nhiều nội dung như: Lễ rước và dâng hương tôn vinh tổ nghề, trình diễn và giới thiệu đúc đồng Đồng Xâm, dát vàng Kiêu Kỵ, đậu bạc Định Công, kim hoàn Châu Khê, đúc đồng Đại Bái… |
|
Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, dân làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) linh đình tổ chức lễ hội Đền Sái với nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra Đền Sái và ngược lại. |
|
Hội làng Giàn (thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội) mở từ 9 tới 11/2 Âm lịch. Điểm nhấn của lễ hội là nghi lễ rước nước từ chiếc giếng cổ tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng về đình. Sau khi các cụ cao niên làm lễ xin nước, hai thanh niên lực lượng mặc áo đỏ, gánh nước bằng tay đòn sơn son. Họ chạy khắp làng, đi vào nhà dân tùy hứng. Người dân tin rằng nhà nào được gánh nước ghé thăm sẽ có lộc cả năm. |
|
Hàng năm vào mồng 4,5 và 6 tháng Giêng âm lịch, lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được địa phương tổ chức tại sân đình Thúy Lĩnh để tưởng nhớ công ơn của Linh Lang Đại Vương và cũng là để thể hiện truyền thống thượng võ, là cách gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. |