Triển khai chương trình lao động đặc định cho lao động trẻ Việt tại Nhật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi xã hội và Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng Chương trình ‘Lao động kỹ năng đặc định’. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN |
Sáng 1/7, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashita Takashi và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”.
Văn bản này được ký giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) của Việt Nam và bốn cơ quan của Nhật Bản gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Xã hội và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản. Đây sẽ là khung pháp lý cơ bản cho việc Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình “lao động kỹ năng đặc định”.
Theo đó, phía Nhật Bản sẽ chỉ tiếp nhận lao động “kỹ năng đặc định” người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong “danh sách xác nhận” được cấp bởi MOLISA. Các đối tượng này gồm những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được MOLISA cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản và những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp.
Về quyền lợi của người lao động, theo MOC, lao động kỹ năng đặc định lưu trú tại Nhật Bản được hưởng các quyền lợi theo luật nhập cư, luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan của Nhật Bản. Ngoài ra, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi khác liên quan tới chi phí cho việc đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng, chi phí đi lại bao gồm chi phí trở về Việt Nam sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của các lao động kỹ năng đặc định.
Về ngành nghề, khu vực Việt Nam cấm đưa lao động đến làm việc, phía Nhật Bản cam kết “không tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người Việt Nam chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định của Việt Nam bao gồm cả quy định về các khu vực, ngành nghề cấm” (quy định tại Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ).
Cũng trong văn bản này, hai bên thống nhất việc chia sẻ và công khai thông tin về cơ quan tổ chức được phép phái cử hoặc tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định sang làm việc tại Nhật Bản, đồng thời đưa vào cam kết của các Bộ của hai nước trong việc phối hợp quản lý, giám sát nhằm loại bỏ ra khỏi chương trình phái cử và tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định những cơ quan tổ chức xấu, có hành vi vi phạm luật pháp của hai nước và các quy định nêu trong MOC; ngăn chặn các hoạt động đưa lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản trá hình dưới hình thức du học.
Làm việc trong nhà hàng, khách sạn - một trong những ngành nghề đặc định tại Nhật Bản. |
Có thể nói, việc triển khai chương trình trên cơ sở Thỏa thuận này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế. Đồng thời giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế và là động lực để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Cũng trong sáng 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Abe Shinzo đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 5 văn kiện khác, bao gồm: Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Công hàm trao đổi giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản liên quan đến khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án Học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS); Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Văn phòng Chính sách y tế thuộc Ban thư ký nội các Chính phủ Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ Quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam; Hợp đồng vay vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo giữa Vietcombank và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)./.
Được biết, các công ty Nhật Bản có thể trực tiếp nhận lao động nước ngoài vượt qua kỳ thi tiếng Nhật và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ đối với từng ngành nghề do các cơ quan chức năng của Nhật Bản tổ chức. 14 lĩnh vực ngành nghề đặc định tại Nhật Bản bao gồm: Xây dựng; Điều dưỡng; Đóng tàu; Làm sạch tòa nhà; Bảo dưỡng ô tô; Nông nghiệp; Hàng không; Ngư nghiệp; Khách sạn; Nhà hàng; Chế biến thực phẩm; Gia công chế tạo công nghiệp; Sản xuất máy công nghiệp; Điện - điện tử - viễn thông. |
Xem thêm
Hội nghị G20: Phu nhân, phu quân các lãnh đạo thăm quan chùa ở cố đô Kyoto Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 các nhà lãnh đạo G20 được tổ chức ngày 28/6 tại Osaka, Nhật Bản; trong lúc đó, phu ... |
Sôi động Lễ hội Việt Nam 2019 tại Fukuoka Lễ hội Việt Nam – Fukuoka 2019 diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/5 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du ... |
Người Việt dẫn đầu trong kỳ thi lấy tư cách lưu trú theo thị thực mới tại Nhật Chính phủ Nhật Bản mới thông báo, 347 người nước ngoài, trong đó có 203 người Việt Nam đã vượt qua kỳ thi lấy tư ... |