Trăn trở với nỗi lo tiền lương, nhà ở của đoàn viên công đoàn viên chức
Bên lề của Đại hội VI Công đoàn viên chức Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam - đã trao đổi với báo giới về những kiến nghị của Công đoàn viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.
Phân tích kỹ về kiến nghị đẩy nhanh tốc độ cải cách tiền lương, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, thực tế, vấn đề cải cách tiền lương đã được đặt ra từ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, nhưng do những khó khăn nên vẫn chưa thể cải cách.
Tới nay, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm, một mặt vừa đảm bảo nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, mặt khác vẫn cố gắng giữ chân họ ở lại hệ thống, nhất là những cán bộ, công chức viên chức, người có năng lực và kinh nghiệm và tâm huyết.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam. |
Ông Ngọ Duy Hiểu kỳ vọng: “Trong năm 2024, tôi hy vọng có thể cải cách tiền lương, giúp tăng lương cho công chức viên chức. Nếu điều đó thành hiện thực, đó là tin mừng cho công chức viên chức trong bối cảnh giá cả, đời sống ngày càng nâng cao”.
Liên quan tới kiến nghị thứ 2 của Công đoàn Viên chức là việc tạo điều kiện cho các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương có được quỹ đất để xây nhà cho cán bộ, đoàn viên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm: “Nhu cầu của công chức, viên chức về nhà ở hiện nay là rất lớn. Nhiều cán bộ công chức, viên chức còn phải thuê nhà, mua nhà. Một bộ phận vẫn phải ở trong những ngôi nhà còn xập xệ, còn chưa đủ điều kiện tổ chức sinh hoạt gia đình”.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhiều đoàn viên lao động trong đó có một bộ phận lớn là đoàn viên trẻ, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước bên cạnh quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân thì cũng cần quan tâm xây dựng nhà ở xã hội cho công chức, viên chức, nhất là ở các đô thị.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều này sẽ giúp cho họ yên tâm công tác, gắn bó với việc làm khu vực công - đang là vấn đề rất nóng hiện nay. “Trong rất nhiều công chức viên chức rời khỏi khu vực công có người rời khỏi là do đời sống khó khăn, phải dành khoản tiền không nhỏ để đi thuê nhà. Khi đó, họ sẽ lựa chọn tới một khu vực có thu nhập cao hơn để giải quyết nhu cầu nhà ở”, ông Ngọ Duy Hiểu lưu ý.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng nhấn mạnh, các đối tượng đều có lý do khác nhau để có thể tiếp cận những chính sách phù hợp. Nếu sòng phẳng thì không ít công nhân có lương cao hơn công chức, viên chức.
“Thực tế, chúng ta cũng hiểu nỗi vất vả của không ít công nhân. Tương tự với công chức, viên chức cũng có rất nhiều áp lực trong công việc. Thật khó để tìm một giải pháp cào bằng, nhưng chúng ta cần phải thiết kế chính sách phù hợp với từng đối tượng để vừa giải quyết được nhu cầu về nhà ở và mong muốn của họ…”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.