Trà Vinh phải có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng chia sẻ về quan điểm phát triển tỉnh Trà Vinh trong tương lai phải trở thành tỉnh kiểu mẫu về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng tốt các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế về hướng biển để xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại. Bên cạnh đó tích hợp nông nghiệp thông minh với mũi nhọn công nghiệp chế biến sâu; tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; đề cao bản sắc địa phương và tư duy bao trùm trong mọi chiến lược phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất
cho nhân dân và cán bộ tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: VGP)
Tham dự buổi lễ, Thủ tướng đã nêu ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, chú trọng hình thức hợp tác công-tư nhằm từng bước phát triển hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính liên vùng, kết nối đa lĩnh vực với các tỉnh Tây Nam Bộ. Trà Vinh và Sóc Trăng cần thường xuyên đối thoại, tương tác chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, phối hợp triển khai các loại hoạch định phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế của nhau trong việc thu hút đầu tư.
Thứ hai, ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và phát triển theo tư duy cụm ngành. Đặc biệt cần tạo dựng những thương hiệu nông sản địa phương mang bản sắc Trà Vinh. Tỉnh cần có chiến lược ưu tiên trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát huy vai trò kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp lý như tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển khả năng đánh bắt xa bờ và chế biến sâu…
Tỉnh cần mở rộng liên kết 5 nhà gồm Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng để nông nghiệp và nông thôn phát triển toàn diện, trao cơ hội cho tất cả mọi đối tượng. Khơi dậy và nhân rộng tinh thần khởi nghiệp, ý chí vươn lên làm giàu trong tất cả cộng đồng người Khmer, người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Ấn.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đến năm 2020, tăng lên trên 5.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần số doanh nghiệp hiện nay. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch.
Về công nghiệp, phát triển theo hướng chú trọng các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như năng lượng, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm.
Về tài nguyên, tăng cường quản lý đối với tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên nước, đất, rừng.
Thứ tư, thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, chương trình giảm nghèo đa chiều. Quan tâm chăm lo cho các gia đình có công, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc Khmer. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, giúp nhau cùng tiến bộ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.
Thứ năm, các cấp ủy chính quyền không ngừng nâng cao trách nhiệm, năng lực, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc.
Minh Hà