TP.HCM: Thời tiết xấu, tạm ngưng cứu nạn tàu Hoàng Phúc 18
Lúc 10g30 sáng nay, tàu nhỏ được lệnh tiếp cận tàu chìm, trong khi lực lượng khác tìm phương án. Hai thợ lặn chuyên nghiệp cùng bình oxy loại lớn đang từ đất liền ra, hy vọng có đủ khí để lặn tìm đường vào trong tàu chìm. Lực lượng cứu hộ chưa xác định được vị trí thuyền viên đang kêu cứu bởi trong tàu có 5 phòng, các nạn nhân được cho là đang ở một trong những phòng này. Ảnh Vnexpress
Theo TNO, có mặt tại bờ sau nhiều giờ chỉ huy lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết các thợ lặn đã tìm nhiều ngóc ngách trong con tàu bị chìm nhưng không thấy 2 thuyền viên còn lại.
Theo thượng tá Hưởng, do thời tiết quá xấu nên việc cứu hộ tạm ngưng. Ngày mai, 1.11, các đội thợ lặn và ngư dân sẽ tiếp tục phương án lặn tìm.
15 giờ: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn được lệnh tạm ngưng công việc tìm kiếm vì thời tiết chuyển xấu, sóng to quá đầu người và gió rất mạnh.
Hiện tất cả các tàu thuyền, con người đều đã rút khỏi hiện trường. Theo thông tin mà Thanh Niên Online có được, lực lượng biên phòng sẽ cử một tàu ra khu vực này để bảo vệ hiện trường.
Số phận của 2 thuyền viên hiện được coi là mất tích hiện vẫn chưa được xác định.
Ảnh TNO
Thuyền trưởng tàu Hoàng Phúc 18, xác nhận với Thanh Niên Online, khi tàu gặp nạn có 17 người, đến hiện tại đã có 13 người được cứu, còn 4 thuyền viên mất tích. Trong số 4 thuyền viên hiện được cho mất tích, có 2 người được xác định đang kẹt trong khoang tàu Hoàng Phúc bị lật úp, trong đó có một người quê Ninh Bình.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết nếu tình hình thời tiết thuận lợi sẽ liên tục tìm kiếm cho đến khi tìm thấy nạn nhân; tuy nhiên, với tình hình thời tiết xấu như hiện tại kéo dài, lực lượng cứu hộ sẽ phải tạm ngưng công tác tìm kiếm khi màn đêm buông xuống và tiếp tục vào hôm sau.
13 giờ 00: Thời tiết không thuận lợi cho công tác cứu hộ, sóng to gió lớn khiến nhóm thợ lặn của ngư dân không thể tiếp cận được tàu để đưa ống thở vào bên trong. Trong khi đó, các nhóm cứu hộ đang tìm cách khoan lỗ ở đuôi tàu, nơi có phòng ăn để, trong nỗ lực chuyển dưỡng khí xuống cho nạn nhân đang kẹt trong khoang. Từng giờ trôi qua, cơ hội sống sót của các nạn nhân còn lại đang thấp dần.
Buổi sáng, khi các lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường, thì từ bên ngoài, những người cứu hộ vẫn nghe tiếng gõ bên trong như thúc giục nhanh hơn. Chiếc tàu to giống như chiếc sà lan lật ngửa, nổi nửa thân tàu nên trong khoang vẫn còn không khí.
Để tiếp cận, người nhái phải lặn xuống rồi bò theo các khoang. Sau nhiều lần lặn xuống nhưng đội cứu hộ vẫn chưa tiếp cận bên trong khoang tàu. Tại hiện trường, gió không mạnh như buổi sáng.
Theo kinh nghiệm của ngư dân thì khoảng 10g, gió đổi hướng sẽ gây khó khăn cho công tác ttìm kiếm.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh TTO
Lúc 8g20 sáng nay 31/10, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát chữa cháy công an TP.HCM cho biết đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Hiện nhóm cứu hộ này đã tiếp cận tàu để giải cứu nạn nhân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam cho biết đã điều 1 trực thăng ra hiện trường phối hợp với các lực lượng cứu hộ nạn nhân.
Tuy nhiên, do nước chảy xiết các khoang có nắp đậy kín, không thể dùng tay mở được. Lực lượng người nhái rời khỏi tàu chìm để tìm phương án khác.
Theo ngư dân cứu hộ, thì có nghe ba tiếng gõ ở ba vị trí khác nhau, nhiều khả năng vẫn còn ba người khác nhau.
Anh Hoàng Văn Biên (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) kể lại phút giây giành được sự sống - Ảnh: Hữu Khoa/TTO
Trực thăng cứu nạn, 1 tàu cảnh sát biển, 1 tàu kiểm ngư và tàu cứu nạn hàng hải đã đến hiện trường. Ảnh Vnexpress
Trước đó, theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, vào thời điểm gần 9 giờ tối 30/10, tàu cá Hoàng Phúc chở 16 thuyền viên khi đi đến khu vực phao số 5, số 6 luồng sông Soài Rạp, Thành phố Hồ Chí Minh (tiếp giáp Tiền Giang) bất ngờ chìm.
Một xà lan chạy ngang phát hiện sự việc đã vớt được 11 người. Hiện còn 5 người mất tích.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lương Trường Phi - Phó giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, cho biết bản thân ông đang có mặt tại khu vực chìm tàu để điều phối và tham gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ 5 người mất tích.
Cảng vụ hàng hải TP.HCM cho biết hiện lực lượng đã ra khu vực phao số 5 trên sông Soài Rạp tiếp giáp với các nhiều tỉnh để tìm kiếm cứu nạn tàu Hoàng Phúc 18 bị chìm tối 30/10.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, trên tàu cá có 16 người. Sau khi tàu chìm, các tàu đi ngang qua khu vực đã cứu được 11 người. Hiện vẫn còn 5 người mất tích.
Ông Sang cho biết Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III (MRCC Vũng Tàu) đã triển khai lực lượng đến hiện trường.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, Thiếu tướng Lê Tấn Bửu, giám đốc Sở PCCC TP.HCM cũng cho biết Sở đã cử lực lượng xuống địa bàn Cần Giờ để phối với lực lượng Biên phòng TP.HCM, MRCC Vũng Tàu khẩn trương tìm kiếm và cứu nạn các nạn nhân.
Ông Lương Trường Phi, phó giám đốc MRCC Vũng Tàu, cho biết đã có 4 canô và thuyền cứu nạn của các lực lượng có mặt tại khu vực xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, cho tới 23g30, vẫn chưa xác định được chính xác vị trí tàu chìm cũng như tìm kiếm được người mất tích.
Ông Phi cho biết tàu bị nạn tại vị trí giữa sông Soài Rạp và hiện tại lực lượng tìm kiếm cứu nạn từ cả 3 mũi: TP.HCM, Vũng Tàu và Tiền Giang.
Đến 23g45, ông Lê Doãn Tấn, Đồn trưởng biên phòng Cần Giờ (TP.HCM), cho hay các đơn vị cứu hộ báo về là sà lan đã cứu được 11 người, tàu cá cứu 2 người, còn 3 người vẫn mất tích.
Theo ông Tấn, vị trí tàu chìm gần phao số 0, luồng Soài Rạp, về phía Vũng Tàu. Do sóng to, gió lớn nên gặp nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.
Được biết, tàu Hoàng Phúc 18 trên đường đi Vũng Tàu đến Côn Đảo thì bị nạn. Vụ tại nạn xảy ra vào khoảng hơn 20g.
Sông Soài Rạp là phân lưu của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Sông bắt đầu từ đoạn xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, theo hướng Nam đổ ra biển Đông tại cửa Soài Rạp. Đây là ranh giới tự nhiên giữa các huyện Cần Giờ và Nhà Bè, giữa Cần Giờ và Cần Giuộc (Long An), giữa Cần Giờ và Gò Công Đông (Tiền Giang).
Sông dài khoảng 40 km, khúc rộng nhất của sông khoảng 3 km nằm phía hạ lưu nơi ranh giới giữa xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.
Theo Tuổi Trẻ - TTXVN