TP.HCM nên chuẩn bị các xe lội nước?
Đọc những câu chuyện và những dòng độc giả chia sẻ sau một cơn mưa lớn tại TP.HCM ngày 15/9, không khỏi cảm thấy người dân quá cực nhọc. Trong khi đó, bài trả lời của ông trưởng phòng thoát nước của Trung tâm chống ngập trên Tuổi Trẻ hoàn toàn lạc đề.
Đúng là các dự án do Trung tâm chống ngập thực hiện, vốn tập trung vào việc nâng cấp hạ tầng thoát nước, giúp giảm số điểm ngập tại khu vực trung tâm TP và trong một điều kiện mưa nhất định (giới hạn thiết kế).
Nhưng mối quan tâm của người dân không phải là cách phân chia trách nhiệm của các cơ quan chống ngập và thông số thiết kế của hạ tầng.
Người dân muốn biết câu trả lời cho hai câu hỏi thiết thực với họ: trước mắt, làm sao để khi mưa lớn và triều cường xảy ra, cuộc sống thường nhật của họ không bị đảo lộn? Và về lâu dài, cơ quan có trách nhiệm sẽ giải quyết tình trạng ngập lụt như thế nào?
TP.HCM là một trong 20 đô thị trên thế giới có độ rủi ro lớn nhất về ngập lụt do địa hình thấp, hạ tầng yếu kém và năng lực điều hành hạn chế.
Nước ngập sâu, phương tiện di chuyển khó khăn đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) - Ảnh: Thanh Tùng
Thay đổi tình trạng này cần một nỗ lực dài hơi hàng thập kỷ. Tuy nhiên, có rất nhiều điều TP có thể làm ngay hôm nay, không phải để chống ngập, mà giảm thiểu nỗi cực khổ của người dân khi ngập xảy ra và tránh cho TP rơi vào tình trạng tê liệt.
Đơn giản nhất, TP có thể có hệ thống thông tin liên lạc để kịp thời thông báo cho người dân về tình trạng ngập trên các tuyến đường, thậm chí cho phép người dân tham gia cung cấp thông tin cho hệ thống.
Hữu ích hơn, TP có thể chuẩn bị các xe lội nước có gầm cao để chở người dân và xe cộ qua những con đường đã biến thành sông. Cả những điều nhỏ có thể làm được: quy định tất cả ôtô giảm tốc độ xuống 30 km/h khi đường bị ngập trên 50cm.
TP cũng cần phải chuẩn bị phương tiện cứu hộ cho xe cộ và quan trọng hơn là con người như xe cứu thương có gầm cao để giảm rủi ro về tài sản và tính mạng cho người dân.
Dài hơi hơn, TP thậm chí cần tính đến những giải pháp thích ứng cho hệ thống hạ tầng đối với các khu vực thấp để việc ngập nước không thành nỗi lo mà trở thành nét đặc sắc và điều kiện cho phát triển kinh tế, như Venice đã từng làm trong lịch sử và Rotterdam giờ đây cũng đang thực hiện.
Những giải pháp trên còn đảm bảo rằng không có khu vực nào của TP bị tê liệt chỉ vì một cơn mưa. Thực tế là tình trạng ngập khó có thể giải quyết rốt ráo bất chấp nỗ lực của TP.
Hàng tỉ USD đổ vào hệ thống thoát nước thời gian vừa qua giúp giảm hẳn các điểm ngập do hạ tầng kém trong khu vực trung tâm, nhưng không có tác động đến các khu vực đô thị hóa ở vùng thấp ven sông Sài Gòn như Bình Thạnh và vùng ven phía tây như quận Bình Tân.
Đây đều là những khu vực mới được đô thị hóa trong những thập niên gần đây khi nhu cầu nhà ở lớn khiến người dân chấp nhận sinh sống ở những khu vực có rủi ro ngập lụt cao.
Dọc theo lưu vực sông Sài Gòn, từ năm 1990 đến 2010 diện tích đô thị hóa ở vùng thấp có cao độ dưới 1,3m được ước tính tăng gấp 4 lần, lên tới khoảng 4.400ha.
Điều này khiến khu vực có thể tạm thời chứa nước mưa giảm đáng kể, trong khi diện tích đô thị bị ngập ở vùng ven đô và vùng ven sông tăng lên.
Để thay đổi thực tế này, chính quyền phải có quyết tâm rất lớn trong việc giữ được diện tích không gian mở còn lại làm nơi chứa nước tạm thời như bán đảo Thanh Đa, giới hạn khu vực cho phép xây dựng đô thị ở những nơi có địa hình cao hơn và yêu cầu các công trình xây dựng phải có bể chứa nước mưa tạm thời để giảm tải cho hệ thống thoát nước của TP, đồng thời tái sử dụng cho trong sinh hoạt.
Tất cả giải pháp này đều có một điểm chung là cần được sự ủng hộ và tham gia mạnh mẽ của người dân. Kể cả đối với việc chuyển đổi đất trống thành đất đô thị, nếu người dân hiểu được quyền lợi của họ và tham gia giám sát, các nhóm lợi ích sẽ phải chùn bước.
Nhưng để có được sự ủng hộ của người dân cùng tham gia chống ngập dài hạn, chính quyền phải đồng hành với người dân trong những khó khăn trước mắt. Giải pháp thật sự cho vấn đề ngập lụt ở TP.HCM nằm ở trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.
Nếu người dân không cô đơn giữa những con đường đã biến thành sông, chính quyền cũng sẽ không đơn độc trong nỗ lực thích ứng, giảm thiểu và hạn chế ngập lụt.
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng/TTO