TP. Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong chỉnh trang đô thị
Huy động mọi nguồn lực xã hội
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, qua hơn 20 năm thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch, thành phố đã bồi thường, di dời khoảng 36.000 căn nhà thuộc các dự án điển hình như: Dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ; nâng cấp đô thị khu vực Tân Hóa - Lò Gốm… Công tác này đã góp phần rất lớn trong cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần phải tiếp tục di dời trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân, chất lượng sống đô thị. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố sẽ cơ bản hoàn tất công tác giải tỏa, di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà này, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, và thực hiện chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực di dời hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân
Để thực hiện nhiệm vụ này cần nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là đền bù giải tỏa. Do nguồn vốn ngân sách có hạn, nên bên cạnh việc thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố cũng xác định phương thức chủ đạo là kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng thực hiện. Sở Xây dựng thành phố cho biết đã phân loại chương trình này thành 3 nhóm dự án theo 3 cách sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Theo đó, nhóm dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách gồm 52 dự án, quy mô di dời 14.403 căn, dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng gần 22.382 tỷ đồng. Nhóm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị gồm 3 tuyến kênh rạch, quy mô di dời 1.801 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.702 tỷ đồng, việc di dời và tái định cư được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp. Nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm 6 dự án, quy mô di dời 6.223 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng gần 19.024 tỷ đồng.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu chung cho đầu tư phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2016-2020 là 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,18 triệu tỷ đồng. Trong đó, đối với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách khoảng 25.748 tỷ đồng, tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 2.508 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn cần phải huy động xã hội hóa khoảng 23.240 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế thành phố.
Ưu tiên tổ chức, sắp xếp cho dân ở lại tại chỗ
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên thì đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của thành phố. Lãnh đạo thành phố đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tham mưu tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. UBND TP Hồ Chí Minh cam kết tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận sớm chính sách, bảo đảm nhà đầu tư tham gia đầy đủ các dự án bằng cách tổ chức đấu thầu dự án.
Về chương trình di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân trên và ven kênh rạch, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm của Thành ủy là tìm cơ chế mới, kinh nghiệm của quốc tế và TP Hồ Chí Minh để giải quyết vấn đề đặc thù nhà ở ven và trên kênh rạch của người dân. Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong 30 năm qua thành phố chỉ mới thực hiện di dời 36.000 căn, trong khi đó chỉ còn 3 năm nữa phải thực hiện bồi thường, di dời được 20.000 căn là quá lớn, vì vậy cần sự nỗ lực rất lớn của thành phố.
Ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các sở ngành có liên quan về kinh nghiệm của Nhật Bản trong cải tạo đô thị, bởi TP Hồ Chí Minh và Nhật Bản giống nhau về áp lực nhà đất, chỗ ở. Bài học của Nhật Bản là không di dời người dân đi chỗ khác, mà cải tạo đô thị ngay trên chính phần đất hiện hữu. Ngoài ra, có thể mời các chuyên gia Hàn Quốc tư vấn thêm về kinh nghiệm sắp xếp cho dân ở tại chỗ, sử dụng đất hiệu quả, làm cho giá trị đất tăng lên. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, trong 6 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức TPP, trừ dự án rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) đã giao nhà đầu tư là Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm, các dự án còn lại tiếp tục kêu gọi đầu tư minh bạch, có tính chọn lựa cạnh tranh, bảo đảm để chương trình được hoàn thành một cách tốt nhất.
Đặng Loan