Tổng thống Philippines tuyên bố ngừng tuần tra Biển Đông cùng Mỹ
Trong bài phát biểu trên truyền hình trước các sĩ quan quân đội ở Thủ đô Manila, ông Duterte cho hay, Philippines sẽ không tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông để tránh liên quan tới "một hành động gây hấn". "Tôi chỉ muốn tuần tra trong vùng biển của chúng ta (Philippines)" - ông Duterte nêu rõ.
Theo Bloomberg, Mỹ bắt đầu tuần tra chung với Philippines trên Biển Đông từ đầu năm nay, trước khi ông Duterte đắc cử hồi tháng 5. Mặt khác, 2 nước cũng đã tích cực tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Trong một email thông báo cùng ngày 13/9, quân đội Philippines cho biết: mối quan hệ quốc phòng giữa nước này với Mỹ vẫn được duy trì một cách "vững chắc như đá tảng", và các hoạt động đã lên kế hoạch trong năm nay vẫn sẽ được tiến hành như dự kiến.
Ông Rodrigo Duterte phát biểu hôm 12/9 về việc "đuổi" lực lượng đặc biệt Mỹ khỏi nước này. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Đáng chú ý, Tổng thống Duterte cho biết: có 2 quốc gia (không nêu tên chi tiết) chấp thuận cho Philippines vay một khoản ưu đãi trong 25 năm để mua sắm trang thiết bị quân sự.
Sau đó, nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố: Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và "những chuyên gia kỹ thuật" trong các lực lượng vũ trang Philippines sẽ thăm Trung Quốc và Nga để "xem những loại vũ khí nào là tốt nhất".
Mặc dù Tổng thống Duterte khẳng định không muốn cắt đứt mối liên hệ mật thiết với đồng minh Mỹ, những tuyên bố mới đây của ông đã báo hiệu cho một sự thay đổi so với nội dung hiệp ước phòng thủ Philippines - Mỹ được ký kết năm 1951.
Trước đó, ông Duterte đã "xúc phạm" Tổng thống Mỹ Barack Obama, lên án các vụ giết người của quân đội Mỹ trong những ngày đầu của chế độ thực dân, và mới đây đã kêu gọi các lực lượng đặc biệt của Mỹ rời khỏi đảo Mindanao ở phía Nam đất nước.
Theo ông Eduardo Tadem, giảng viên chuyên nghiên cứu châu Á của Đại học Philippines, Tổng thống Duterte dường như đang "cụ thể hóa các phát ngôn mới nhất của mình" bằng cách thực thi một chính sách ngoại giao độc lập.
Trọng Sang