Tổng thống Philippines: Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ muốn gia nhập ASEAN
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte
Theo Inquirer, ngày 14/5 (giờ địa phương), ông Duterte đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Mông Cổ Jargaltulgyn Erdenebat và với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Phát biểu trước báo giới sau khi đặt chân tới thành phố Davao (Philippines), ông Duterte tiết lộ rằng trong 2 cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng bày tỏ mong muốn được gia nhập ASEAN.
"Họ (lãnh đạo Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ) muốn tôi hỗ trợ cho việc gia nhập của họ trong lúc Philippines đang làm Chủ tịch (ASEAN)" - Tổng thống Duterte cho hay, nói thêm rằng ông ủng hộ đề xuất nói trên của Ulaanbaatar và Ankara.
Ông Duterte cho biết Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi cho rằng đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ là "kỳ lạ". Theo ông, bà San Suu Kyi đã đặt câu hỏi về việc liệu vị trí địa lý có cho phép 2 nước này gia nhập ASEAN được hay không.
Tuy nhiên, ông Duterte đã trả lời bà rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang có quan điểm "lưỡng lự". "Đôi khi họ cho rằng mình là một phần của châu Á, lúc lại nói rằng mình là cầu nối giữa châu Á với châu Âu" - nhà lãnh đạo Philippines chia sẻ.
Trong quá khứ, Mông Cổ từng nhiều lần tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ luôn bày tỏ mong muốn là đối tác đối thoại không chỉ với ASEAN mà còn nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản.
Timor Leste - quốc gia nhỏ bé tách khỏi Indonesia năm 2002 - cũng đang có nguyện vọng gia nhập ASEAN, bên cạnh 10 thành viên hiện tại của khối gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Năm nay (2017), ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Theo các thống kê, với dân số 630 triệu người, ASEAN có Tổng sản phẩm nội vùng (GDP) đạt khoảng 2.550 tỷ USD trong năm 2016.
Hồng Anh