Tổng thống Philippines đặt dấu chấm hết cho quan hệ với Mỹ
"Tôi tuyên bố tách khỏi Mỹ... cả về quân sự và kinh tế" - ông Duterte phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân của Trung Quốc, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và đại biểu giới doanh nghiệp 2 nước Trung Quốc - Philippines.
"...có lẽ tôi cũng sẽ đến Nga để nói chuyện với (Tổng thống Nga) Putin rằng 3 nước chúng ta có thể chống lại cả thế giới: Trung Quốc, Philippines và Nga" - ông Duterte nhấn mạnh thêm.
Tuyên bố trên được Tổng thống Duterte đưa ra trong chuyến thăm Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Cùng đi với ông Duterte, có hơn 200 doanh nhân hàng đầu Philippines, với mục đích mở đường cho cái mà ông gọi là một liên minh thương mại mới giữa 2 nước.
Ông Duterte đang nỗ lực nối lại quan hệ với Trung Quốc, chỉ 3 tháng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách "chủ quyền lịch sử" của Bắc Kinh đối với Biển Đông, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Động thái này đã đánh dấu sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Philippines - vốn luôn coi Mỹ là đồng minh lâu năm và tin cậy - kể từ khi nhà lãnh đạo 71 tuổi nhậm chức ngày 30/6.
Bước ngoặt trong quan hệ Philippines - Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (áo đen, thứ 2 từ trái sang) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự hôm 20/10. (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, Trung Quốc đã tiếp đón nhà lãnh đạo Philippines một cách trọng thị, hơn hầu hết các nhà lãnh đạo khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gọi chuyến thăm của ông Duterte là "một dấu mốc" trong quan hệ 2 nước.
Ông Tập thậm chí còn nói với ông Duterte rằng Trung Quốc và Philippines là "anh em", và 2 bên có thể cùng giải quyết các tranh chấp một cách thích hợp, dù ông không đề cập trực tiếp tới vấn đề Biển Đông.
"Tôi hy vọng rằng chúng ta (Trung Quốc và Philippines) có thể đáp ứng nguyện vọng của người dân, và coi chuyến thăm lần này là cơ hội để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Philippines trở lại, trên nền tảng của sự thân thiện và những tiến bộ" - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.
Về phần mình, trong cuộc gặp, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng mối quan hệ Philippines - Trung Quốc đã bước sang "một mùa xuân mới" - hãng tin Reuters cho hay.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin cho biết vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không "phủ bóng" lên mối quan hệ giữa 2 nước: "Hai bên đồng thuận rằng sẽ theo đuổi đối thoại song phương và tham khảo ý kiến lẫn nhau trong việc tìm kiếm cách giải quyết vấn đề Biển Đông".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Brunei, Malaysia và chính Philippines.
Năm 2012, Bắc Kinh đã tự ý chiếm đóng bãi cạn Scarborough - mà nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Philippines, đồng thời ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường tại khu vực này.
Thứ trưởng Liu cho biết vấn đề nói trên đã không được các nhà lãnh đạo 2 nước thảo luận, đồng thời không trả lời câu hỏi rằng liệu các ngư dân Philippines có thể đi vào bãi cạn Scarborough hay không. Ông Liu chỉ cho biết 2 bên đã nhất trí về hoạt động bảo vệ bờ biển và hợp tác nghề cá.
Những lo ngại của chính quyền Mỹ
Tổng thống Philippines Duterte trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 20/10. (Ảnh: Reuters)
Những phát biểu vừa qua của ông Duterte sẽ làm dấy lên mối lo ngại đối với Mỹ, trong bối cảnh Washington coi Manila là đồng minh quan trọng trong chiến lược "tái cân bằng" các nguồn lực của nước này tại châu Á.
Chính quyền Mỹ từng ký kết một thỏa thuận với người tiền nhiệm của ông Duterte, theo đó cho phép binh sĩ Mỹ đồn trú tại căn cứ quân sự của Philippines. Sau những tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines, nhiều người nghi ngại rằng thỏa thuận nói trên có thể sẽ bị phá vỡ.
Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang "bối rối" trước phát biểu của ông Duterte tại Trung Quốc. Washington sẽ tìm kiếm một lời giải thích khi ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - thăm Thủ đô Manila (Philippines) vào cuối tuần này.
"Chúng tôi sẽ phải tìm kiếm một lời giải đáp thỏa đáng về những gì tổng thống (Duterte) muốn nói tới khi ông tuyên bố tách khỏi Mỹ. Đối với chúng tôi, phát biểu này là chưa có ý nghĩa rõ ràng và chính xác" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh.
Bộ trên cũng như Nhà Trắng đều cho rằng động thái của Tổng thống Duterte đã mâu thuẫn với quan hệ gần gũi, đồng minh lâu năm giữa 2 nước. Tuy nhiên, Washington vẫn sẽ hoan nghênh việc Philippines và Trung Quốc nâng tầm quan hệ.
"Liên minh Mỹ - Philippines được xây dựng trên 70 năm lịch sử, những mối ràng buộc sâu sắc và một danh sách dài các vấn đề bảo mật mà 2 bên cùng chia sẻ" - người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz phát biểu trước báo giới, lưu ý rằng Manila chưa hề yêu cầu Washington thay đổi quan hệ hợp tác song phương.
Vài giờ sau phát biểu của ông Duterte, nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của ông đã phát đi một tuyên bố, trong đó nói rằng: Philippines sẽ không quay lưng lại với phương Tây.
"Chúng tôi sẽ duy trì quan hệ với phương Tây, nhưng chúng tôi mong muốn hội nhập mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng. Chúng tôi chia sẻ văn hóa và sự hiểu biết sâu sắc hơn với các nước trong khu vực" - Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez và Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia cho biết.
Trọng Sang