Tổng thống Obama có thể đến thăm Việt Nam vào tháng 5
Ảnh: New York Times
Theo lịch trình đã lên sẵn, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các chuyến công tác ở châu Á, hai chuyến đi châu Âu và một lần đến Mỹ Latin. Giữa những chuyến đi, ông Obama sẽ tranh thủ tham gia những chiến dịch tranh cử cùng các ứng viên của đảng Dân chủ và đón tiếp nguyên thủ nước ngoài đến Washington.
Một trong những sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên của ông Obama diễn ra ngoài Washington là đón tiếp các nguyên thủ những nước Đông Nam Á đến bang California vào ngày 15 - 16/2. Đây là lần đầu tiên toàn thể lãnh đạo ASEAN cùng dự họp cấp cao với tổng thống Mỹ ngay trên lãnh thổ Mỹ.
Sau đó, ông Obama sẽ đến Nhật Bản dự hội nghị G7 vào tháng 5, rồi đến Trung Quốc vào tháng 9 dự hội nghị G20. Tổng thống Mỹ cũng có thể đến Lào để dự hội nghị ASEAN, vừa để kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Mỹ - Lào.
Nguồn tin của New York Times cho biết, Washington cũng đang sắp xếp để ông Obama có thể thăm Việt Nam vào tháng 5. "Chuyến đi đến Việt Nam sẽ có tác động lớn", Evan S. Medeiros, cựu cố vấn cao cấp về châu Á của ông Obama, nhận định.
Theo ông Medeiros, cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN ở Mỹ cùng chuyến công du Lào (và có thể là Việt Nam) sẽ nhấn mạnh sự nghiêm túc của Mỹ khi xem ASEAN là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Chứng tỏ vai trò so với châu Âu
Elaine C. Kamarck, nghiên cứu viên tại Viện Brookings, nói tăng cường những chuyến công du nước ngoài là điều mà các tổng thống Mỹ gần đây thường cố gắng thực hiện trong năm cuối của nhiệm kỳ.
"Họ có thể đạt nhiều mục tiêu hơn trong các vấn đề đối ngoại so với những vấn đề trong nước. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp ông Obama, khi đảng đối lập không những chiếm đa số trong quốc hội mà còn có thái độ chống đối ông rõ rệt", ông Kamarck nói.
Ông Benjamin J. Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama cho biết thêm: "Tổng thống sẽ tập trung để hoàn thành những chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại mạnh mẽ của ông, bao gồm việc thực thi thỏa thuận hạt nhân với Iran, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thực hiện những nội dung của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, và củng cố quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba nhằm bảo đảm việc này không thể bị đảo ngược".
Vào cuối tháng 4, Tổng thống Obama sẽ đến Đức để gặp Thủ tướng Angela Merkel và tham dự Hannover Messe, sự kiện thương mại lớn nhất thế giới của ngành công nghệ. Đến mùa hè 2016, ông Obama đến Ba Lan dự hội nghị cấp cao của NATO và có thể tranh thủ thăm một số quốc gia châu Âu khác.
Bên cạnh củng cố quan hệ đối ngoại, chuyến đi châu Âu còn nhằm chứng tỏ những nỗ lực của Mỹ so với châu Âu trong các vấn đề như khôi phục nền kinh tế hoặc xử lý khủng hoảng nhập cư.
Củng cố vị thế ở Mỹ Latin
Đến tháng 11, ông Obama sẽ đến Peru dự hội nghị APEC và có thể thăm thêm một quốc gia ở Mỹ Latin. Thời gian dự kiến sẽ vào tháng 3, điểm đến có thể là Cuba hoặc Colombia. Trước đó, tổng thống Mỹ sẽ đón tiếp Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đến Nhà Trắng vào tháng 2.
Việc Washington muốn làm ấm lại quan hệ với Cuba vấp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy dư luận ủng hộ chính sách Cuba của Tổng thống Obama. Giới quan sát cho rằng, thay vì trông đợi sự thay đổi chính sách ở Cuba, Tổng thống Obama sẽ tận dụng sự hiện diện nhằm tạo ra một xu hướng không thể đảo ngược trong quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó, ông Obama cũng dự định đến thăm Argentina. Nước này vừa tổ chức bầu cử và Tổng thống Mauricio Macri hứa hẹn sẽ là nhân tố thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Trước đây, Tổng thống Obama không dành nhiều thời gian cho Mỹ Latin. Tuy nhiên, việc đến thăm khu vực này trong bối cảnh bầu cử diễn ra ở nhiều nước sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Nhìn chung, ông Ben Rhodes cho biết, mục tiêu của Tổng thống Obama là củng cố việc "bình thường hóa quan hệ với Cuba, ủng hộ việc theo đuổi hòa bình và an ninh ở Colombia, và gắn kết với những lãnh đạo mới trong khu vực bao gồm tân tổng thống của Argentina".
Theo Zing/The New York Times