Tổng thống Duterte: Philippines cần quân đội Mỹ ở Biển Đông
Hãng tin Bloomberg dẫn bài phát biểu hôm qua (21/9) của ông Duterte, trong đó ông lần đầu tiên thừa nhận rằng Philippines cần quân đội Mỹ tại Biển Đông, đồng thời phản đối chỉ trích của Mỹ và châu Âu về cuộc chiến chống ma túy mà ông đang tiến hành.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi ông Duterte kêu gọi kết thúc các hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ và rút các lực lượng của Washington ở Mindanao về nước.
Trong bài phát biểu hôm qua, nhà lãnh đạo Philippines biện minh rằng những phát biểu hồi tuần trước chỉ nhằm mục đích đảm bảo đàm phán hòa bình thành công với các nhóm phiến quân Hồi giáo.
"Tôi nói rằng sẽ có một thời điểm trong tương lai mà lực lượng đặc biệt (của Mỹ) rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải đi khỏi Philippines" - ông Duterte phân trần.
Tổng thống Duterte nhấn mạnh: "Dù thế nào, chúng ta cũng cần họ (quân đội Mỹ) ở Biển Đông", đồng thời nói thêm rằng Philippines sẽ không tham chiến với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp bởi vì nó sẽ chỉ dẫn đến "thảm sát".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Từ nhiều thập kỷ qua, liên minh quân sự với Philippines là nền tảng cho ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực - nơi thường xuyên leo thang căng thẳng trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hơn 80% diện tích Biển Đông.
Hôm 12/7, ít lâu sau khi Tổng thống Duterte nhậm chức, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đã ra phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý. Đây là một chiến thắng cho Philippines trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Song song với việc tôn trọng liên minh với Mỹ, ông Duterte cũng nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của "một chính sách đối ngoại độc lập" và đặt câu hỏi về việc Washington có sẵn sàng can thiệp vào tranh chấp Biển Đông hay không.
Trong diễn biến liên quan, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, Indonesia vừa cử một phái đoàn tới Mỹ để thăm dò khả năng nhờ Washington tài trợ cho một căn cứ Hải quân Indonesia nhìn ra Biển Đông.
Indonesia không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng yêu sách "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc đã bao phủ một phần Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna của nước này. Việc nâng cấp căn cứ hải quân sẽ cho phép Indonesia tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông và eo Sunda.
Hồng Anh