Tòa án Hiến pháp Pháp đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu lên 64
Đây được coi là thắng lợi đầu tiên cho các kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Thượng viện Pháp dự kiến sẽ thông qua các điều khoản còn lại của dự luật cải cách vào cuối tuần này.
An ninh được tăng cường chung quanh Tòa án Hiến pháp của Pháp từ ngày 13/4 (Ảnh: Liberation). |
Chính phủ Pháp hy vọng những thay đổi về lương hưu sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng. Tuy nhiên, kế hoạch cải cách chế độ hưu trí đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Pháp. Làn sóng biểu tình mới phản đối cải cách đã diễn ra trên quy mô lớn tại Pháp từ ngày 7/3, khiến giao thông đường sắt, đường không và đường biển, trong đó có cả hoạt động vận chuyển nhiên liệu bị gián đoạn.
Ngày 13/4, Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 380.000 người đã tham gia cuộc tổng đình công toàn quốc lần thứ 12 do các nghiệp đoàn tại nước này tổ chức nhằm phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của chính phủ. Trong khi đó, CGT, nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp, khẳng định số người tham gia vượt 1 triệu người.
Theo dự luật mới của Pháp, tuổi hưu của người lao động sẽ tăng thêm ba tháng mỗi năm từ tháng 9 năm nay và sẽ chạm mức 64 tuổi vào năm 2030. Tuổi nghỉ hưu hiện nay ở Pháp là 62.
Từ năm 2027, người lao động sẽ phải có thâm niên đủ 43 năm, thay vì 42 năm như trước đây, nếu muốn hưởng lương hưu đầy đủ. Luật mới đảm bảo mức lương thấp nhất cho người mới nghỉ hưu không ít hơn 85% lương tối thiểu, tương đương 1.200 euro/tháng. Sau năm đầu tiên, lương hưu sẽ được tính toán lại theo chỉ số lạm phát.
Tổng thống Macron cho rằng cải cách hưu trí là cần thiết để giữ cho hệ thống hưu trí của đất nước bền vững hơn. Quy định nâng tuổi hưu sẽ tăng tỷ lệ việc làm trong độ tuổi 60-64. Ở Pháp, tỷ lệ làm việc trong độ tuổi này là 33%, trong khi ở Đức là 61% và Thụy Điển là 69%.
Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, những thay đổi này sẽ giúp ngân sách lương hưu tăng thêm 17,7 tỷ euro (18,8 tỷ USD) mỗi năm tới 2030. Lương hưu của 30% người thuộc nhóm nghèo nhất sẽ tăng 2,5-5%.