Tổ chức Medipeace thắp sáng hy vọng hòa nhập cho trẻ khuyết tật Quảng Nam
Dự án “Hỗ trợ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2023” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), tổ chức Medipeace, Bệnh viện Trường Đại học Chonbuk, Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) tài trợ cho Quảng Nam.
Thiết lập hệ thống hỗ trợ phục hồi chức năng
Với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng, dự án được triển khai thực hiện tại Hiệp Đức, Núi Thành, Tiên Phước và TP. Tam Kỳ, với mục tiêu tiếp cận trẻ khuyết tật theo chiến lược phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng, lấy các phòng PHCN tuyến xã làm trung tâm.
Đại diện tổ chức Medipeace Việt Nam cho biết, dự án tập trung cung cấp các dịch vụ PHCN cho trẻ khuyết tật bao gồm hỗ trợ tập luyện PHCN gồm vật lý trị liệu, ngữ âm trị liệu, giáo dục đặc biệt, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp phù hợp và sửa chữa cải thiện nhà ở nhằm tăng tính tiếp cận không gian sinh hoạt cho trẻ.
Cụ thể, dự án đã thành lập được 10 phòng PHCN tuyến xã, một phòng PHCN tại trung tâm y tế huyện Hiệp Đức và một phòng PHCN tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam.
Với các trang thiết bị PHCN nhi khoa hiện đại và phương pháp trị liệu toàn diện, các phòng PHCN này đã trở thành “hy vọng hòa nhập” cho hàng trăm trẻ em khuyết tật của tỉnh.
Ảnh: Medipeace Việt Nam |
Cậu bé Nguyễn Vương Phước cũng là một trường hợp được trị liệu tại các phòng PHCN và tại nhà.
Sinh ra một cậu con trai mắc căn bệnh mà không có nền y học tiến tiến nào có thể chữa được - Hội chứng L-Down, chị Vương Thị Thúy Hằng, mẹ của Phước, chỉ biết vừa buồn vừa thương con “như đứt từng đoạn ruột… khi nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa khác biết được nhiều điều, nói được nhiều câu, học được nhiều chữ,” chị Hằng kể.
Những trẻ mắc hội chứng Down thường có một số mức độ khuyết tật về phát triển, thường từ nhẹ đến trung bình.
Con trai chị Hằng dù đã 8 tuổi nhưng vẫn chưa nói được câu có bốn tiếng, chưa phân biệt được hình khối, trên-dưới-trong-ngoài, chưa biết được bảng chữ cái... Đau đớn, xót xa cho con là vậy nhưng gia đình chị chỉ biết yêu Phước hết mực để bù đắp cho con.
Thế nhưng, vào một ngày nọ phép màu đã đến với con trai chị Hằng, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình đó là sự đồng hành của dự án và Phòng PHCN Tam Mỹ Đông. Sau qua hơn một năm tham gia phòng PHCN, con trai chị Hằng đã có những biết chuyển biến rõ rệt khi biết được rất nhiều: nói được câu dài, ghi nhớ bảng chữ cái, nhận biết được hình khối, biết phân biệt thế nào là trên-dưới-trong-ngoài. Không những thế, Phước còn mạnh dạn hơn, thân thiện hơn.
Từ khi tiếp cận với dự án, gia đình chị Hằng cũng được trang bị thêm những kỹ năng dạy cho con từ dạy con biết tự vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân, hay giúp đỡ bố mẹ những việc lặt vặt.
So sánh dự án giống như ông bụt, có nàng tiên xuất hiện để giúp đỡ những số phận bất hạnh, kém may mắn trong những chuyện cổ tích ngày xưa, gia đình chị Hằng rất cảm ơn khi nhận sự đồng hành, sẻ chia của dự án.
“Ông Lê Viết Thuấn, Trưởng khoa PHCN - y học cổ truyền Trung tâm Y tế Hiệp Đức cho biết, nhờ các phòng PHCN, chất lượng dịch vụ PHCN trong cộng đồng được nâng cao. Trẻ khuyết tật có cơ hội được tiếp cận dịch vụ PHCN chất lượng cao gần nhà, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình. Các phòng PHCN tuyến xã trở thành một phần không thể tách rời của trạm y tế xã, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng hỗ trợ NKT ngay tại cơ sở.” |
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Hiện tại có một bệnh viện tuyến trung ương, ba bệnh viện tuyến tỉnh, bốn trung tâm Y tế (TTYT) huyện và 10 trạm y tế xã được hỗ trợ trang thiết bị PHCN.
Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN tại các cơ sở y tế như khóa định hướng PHCN 6 tháng cho bác sĩ đa khoa, khóa PHCN cơ bản 2, 3 tháng cho nhân viên y tế thôn, khóa âm ngữ trị liệu 3 tháng cho cán bộ trạm y tế xã, trung tâm y tế và các lớp tập huấn ngắn ngày cập nhật kiến thức PHCN hàng năm.
Cũng trong 3 năm qua, các bác sĩ PHCN, kỹ thuật viên, giáo viên tham gia dự án đã thực hiện hơn 10.000 lượt thăm khám, trị liệu cho trẻ khuyết tật tại các phòng PHCN và tại nhà, trong đó có 154 trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng thường xuyên tại các cơ sở tuyến xã.
Medipeace phối hợp với Sở Y tế Quảng Nam tổ chức tập huấn PHCN cho trẻ mắc hội chứng DOWN cho 21 cán bộ y tế thuộc các khoa PHCN của các cơ sở y tế Quảng Nam. Ảnh: Medipeace Việt Nam |
Như Phước, em Lê Hoàng Phúc, 9 tuổi , cũng là một trường hợp được vật lý trị liệu tại phòng PHCN.
Phúc mang trong mình căn bệnh bại não đã khiến em khó khăn khi di chuyển. Em rất dễ té ngã, lên xuống cầu thang khó khăn, ngoài ra tay trái em gập khuỷu, cổ tay gập, bàn tay cử động kém, khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật. Em cũng chưa thể tự xúc ăn, khi ăn hoàn toàn cần sự hỗ trợ của người nhà.
Được sự can thiệp của kỹ thuật viên vật lý trị liệu từ tháng 8/2021 thì Phúc đã di chuyển trên mặt phẳng dễ dàng và an toàn hơn, có thể di chuyển lên xuống cầu thang,và đặc biệt có thể tham gia đá bóng cùng bạn bè.
Tình trạng co cứng gập khuỷu của Phúc cũng giảm, có thể với tay tới đồ vật nhưng cầm nằm còn khó. Bên cạnh đó, Phúc được can thiệp cả mảng giáo dục đặc biệt và được sự hỗ trợ dụng cụ từ dự án, như dụng cụ học tập và trẻ nẹp cổ bàn tay để giữ cổ tay đúng tư thế.
Hiện tại Phúc còn được can thiệp cả hoạt động trị liệu, em có thể tự xúc cơm bằng tay phải và tay trái giữ bát cơm, và hỗ trợ các kỹ năng để em tự mặc áo sơ mi. Điều tốt nhất với Phúc là em đã tự đi vệ sinh để giảm sự phụ thuộc vào bố mẹ, điều đó đã giúp Phúc có thể hòa nhập được với các bạn đồng trang lứa tại trường hòa nhập.