Bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam Việt Nam
Quốc hội đầu tiên trên thế giới phê chuẩn nghị quyết ủng hộ nạn dân da cam
Đầu tháng 10/2023, Hạ viện Bỉ đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với tỷ lệ phiếu ủng hộ tuyệt đối.
Theo nghị sĩ liên bang André Flahaut, người đã đệ trình nghị quyết lên Quốc hội Bỉ, phải có hành động cụ thể để triển khai nghị quyết, trước mắt phía Bỉ đóng góp công nghệ tẩy độc đất nhiễm dioxin ở Việt Nam. Nghị quyết cũng sẽ góp phần thúc đẩy các đảng phái chính trị trên thế giới cùng tham gia đấu tranh chống lại việc sử dụng chất hóa học trong chiến tranh.
Chủ tịch Hạ viện Bỉ Éliane Tillieux (phải) và bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp - nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. (Ảnh : Hương Giang/TTXVN) |
Chủ tịch Hạ viện Éliane Tillieux cũng cho rằng, nghị quyết thể hiện ý chí của Bỉ, nhưng cần phải có hành động cụ thể. Đó là các phương án hỗ trợ tài chính, triển khai các nghiên cứu học thuật giữa các trường đại học Bỉ và Việt Nam để đạt được các giải pháp lâu dài.
Nghị quyết kêu gọi hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam của Hạ viện Bỉ là khởi đầu mới cho hành trình giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh mà đông đảo tầng lớp nhân dân Bỉ đã thực hiện trong nhiều năm qua. Đó là giải golf thường niên gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam ở Hội An (Quảng Nam) do các bạn bè Bỉ tổ chức; đêm hội đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam của Hội hữu nghị Bỉ - Việt nhằm giúp người dân Bỉ có cái nhìn thực tế về hậu quả mà Việt Nam phải gánh chịu sau chiến tranh...
Gieo hạt giống hy vọng
Khi chồng là một quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam qua đời do bị nhiễmchất độc da cam, nhà làm phim Nhật Bản Masako Sakata đã đi tìm hiểu thực tế để làm bộ phim về nỗi đau da cam.
Bà Masako thăm nạn nhân chất độc da cam Trần Doãn Hiển (xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) vào tháng 10/2023. Hiển nhận học bổng từ Quỹ Hạt giống hy vọng 3 năm (năm 2011, 2012, 2013). Hiện Hiển đã tốt nghiệp Đại học công nghệ thông tin, đang dạy online, mỗi tháng có thu nhập từ 5-7 triệu đồng. (Ảnh: dientudacam.vn) |
Bà đến Việt Nam và thật sự kinh ngạc vì số người bị nhiễm dioxin ở đây quá lớn, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. Thời điểm đó bà quyết tâm làm tất cả mọi việc có thể để giúp đỡ những nạn nhân này. Những gì bà Masako Sakata tận mắt khám phá sau nhiều lần đến Việt Nam đã được chuyển tải vào 2 bộ phim đầu tiên của bà là Agent Orange: A Personal Requiem (2007) và Living the Silent Spring (2011). Hai bộ phim này giành được nhiều giải thưởng danh giá của Nhật Bản cũng như quốc tế, bao gồm Giải phim tài liệu Mainichi, Giải đặc biệt của Liên hoan phim môi trường quốc tế Paris và Giải đặc biệt của Ban giám khảo Earth Vision. Năm 2011, bà Masako Sakata lập dự án Hạt giống hy vọng, cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam.
Từ khi thành lập đến nay, quỹ đã trao học bổng cho gần 200 em với tổng số tiền học bổng và ủng hộ Làng Cam trên 3 tỷ đồng, mỗi em được nhận học bổng 18 triệu đồng/3 năm.
Đầu tháng 10 vừa qua, trở lại Việt Nam, bà Masako Sakata đã trao 5.000 USD học bổng thuộc dự án Hạt giống hy vọng để tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ghi nhận những đóng góp của bà cho phong trào Hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, góp phần tích cực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, năm 2017 thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã trao Huân chương Hữu nghị cho bà.
Tấm lòng bè bạn
Theo thông tin từ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, năm 2023 Hội đã vận động kêu gọi được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân quốc tế với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Trong đó, dự án của tổ chức Chữ Thập xanh (Thụy Sĩ) giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2024 có tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ dự án thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023-2026 là 50.000 USD.
Ngoài ra, Hội đã đón tiếp và làm việc với gần 60 tổ chức, hơn 300 lượt cá nhân người nước ngoài như: Đại học Kyoto Sangyo và Đại học Meiji (Nhật Bản); Đoàn Miss Universe Autralia Charity; Tổ chức Jica (Nhật Bản); Đoàn Y - Bác sĩ Tổ chức MOA (Hoa Kỳ); Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình; Phái đoàn bang Thuringia (Đức); Đoàn người Khuyết tật (Thái Lan)...
Ngoài Đà Nẵng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả chất độc da cam/dioxin nói riêng tại nhiều tỉnh thành khác như: Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh... Các chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam.
Sự hỗ trợ cả vật chất và tinh thần của các tổ chức và nhà hảo tâm quốc tế đã góp phần cải thiện đời sống, khích lệ tinh thần vươn lên trong cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam và người thân trong gia đình.