Tình hình thời tiết trong năm 2017 còn diễn biến phức tạp
Hội nghị còn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo về công tác phòng chống thiên tai năm 2016. Theo đó, năm 2016 có tới 20/21 loại hình thiên tai đã xảy ra với diễn biến phức tạp, phó lường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo về công tác phòng chống thiên tai năm 2016. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Những thiên tai trong năm 2016 đã gây thiệt hại lớn về người và của, có 264 người chết và mất tích, 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi; 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115km đê, kè, 938km kênh mương, 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; ước tính tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng. Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm dẫn đến làm giảm tăng trưởng quốc gia.
Ông Cường cho biết: "Trong năm 2016, ở nước ta thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường”.
Ông Cường đánh giá, mặc dù công tác phòng chống thiên tai trong năm 2016 đã thực hiện chủ động nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như hầu hết các cán bộ của Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp là kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác phòng chống thiên tai rất hạn chết. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của các cơ quan chưa đáp ứng đầy đủ; lực lượng làm công tác tham mưu từ trung ương đến địa phương tính chuyên nghiệp chưa cao, nhiều tình huống thiên tai còn bị bất ngờ nên ứng phó chưa kịp thời.
Về tình hình thời tiết và thiên tai trong năm 2017, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Ngay từ đầu năm 2017, tình hình thời tiết đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật. Chúng ta vừa trải qua mùa đông ấm, nhiều đợt không khí lạnh và mưa phùn ảnh hưởng sâu vào khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ đã và đang làm cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, sạt lở nghiêm trọng bờ biển. Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết những tháng tiếp theo trong năm 2017 còn diễn biến phức tạp: nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm; mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao, bão hoạt động sớm ở biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền tương đương trung bình nhiều năm".
Ngoài ra, một trong những yếu kém theo ông Cường là tình trạng một số quy trình vận hành liên hồ chứa chưa phù hợp làm gia tăng rủi ro cho công trình và hạ du. Vì vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá các công trình đê điều, thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công để có giải pháp xử lý đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ năm 2017. Xây dựng phương án điều tiết nước hồ chức hợp lý để vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du trong mùa lũ và tích nước tối đa phục vụ chống hạn trong mùa cạn.
Đối với việc ứng phó thiên tai trong năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu triển khai ngay việc rà soát công trình phòng chống thiên tai, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời kiến nghị các bộ ngành địa phương thành lập, thu quỹ phòng chống thiên tai và sử dụng đúng mục đích.
Minh Đức