Tinh giản biên chế là một tiêu chí đánh giá lãnh đạo đơn vị
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tại hội nghị
"Thực hiện đồng bộ các giải pháp tinh giản biên chế", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và phổ biến kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hội nghị diễn ra sáng nay (12/1) tại Hà Nội, do Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: Việc triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế thể hiện chủ trương, quyết tâm của Đảng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định: thuận lợi nhất của Nghị quyết 39 là chỉ ra việc tinh giản biên chế thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và giám sát của các cơ quan dân cử, của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, đặc biệt là có sự giám sát của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế gắn liền với cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức để thông qua đó đảm bảo mục tiêu, quan điểm trong thực hiện tinh giản biên chế.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định: “Tinh giản biên chế từ trước đến giờ chỉ đơn thuần, giải quyết chế độ chính sách là chủ yếu. Đợt tinh giản biên chế lần này thực hiện đồng bộ các giải pháp kể cả tổ chức bộ máy, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện các chính sách tinh giản biên chế... Trong tinh giản biên chế lần này trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy cao nhất. Bởi vì các kế hoạch, đề án về tinh giản biên chế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt trở thành chỉ tiêu mang tính pháp lý gắn liền với đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố nêu thực tế việc triển khai tinh giản biên chế. Tỉnh Bắc Giang, địa phương đã có danh sách 232 trường hợp trong diện tinh giản biên chế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cho rằng: việc dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.
Ông Nguyễn Văn Linh nêu những khó khăn khi thực hiện tinh giản biên chế ở địa phương: “Nghị quyết 39 quy định ít nhất tinh giản 10% biên chế. Tuy nhiên, hiện nay biên chế trong khối sự nghiệp, giáo dục lại thực hiện theo tỷ lệ giáo viên/lớp. Đây là quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nếu giảm như vậy không đủ số giáo viên đứng lớp. Ngành y tế cũng vậy, y tế tính trên số giường bệnh. Nếu cứ quy định như vậy rất khó cho cấp dưới thực hiện giảm theo 10% biên chế”.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nhấn mạnh: việc tinh giản biên chế không cẩn thận sẽ gây mất đoàn kết, do đó trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Đồng thời kiến nghị thực hiện xã hội hóa trong một số lĩnh vực mà bộ ngành quản lý, từ đó biên chế được giao sang nhiệm vụ mới.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng: các Bộ, ngành tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tinh giản biên chế bằng cách rà soát, sáp nhập và giảm đầu mối. Nếu không sáp nhập và giảm đầu mối thì việc giảm biên chế rất khó khăn.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ sớm phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Đồng thời, xem xét trình Chính phủ bổ sung Nghị định 108 theo hướng mở rộng đối tượng tinh giản biên chế đối với các trường hợp không đủ điều kiện thực hiện tinh giản biên chế theo quy định nhưng có đơn tình nguyện xin nghỉ thì được hưởng chính sách thôi việc.
Theo VOV