Tin tức thời sự trong ngày 7/8: Rộ thông tin 'cán bộ Bạc Liêu bị đánh bể đầu vì bia ôm'
Tin tức trong ngày 6/8: Cháu 3 tuổi ăn nhầm thuốc trộn cơm do bà nội dùng bẫy chuột |
Tin tức trong ngày mới nhất: Nữ sinh ở TP.HCM bị thầy giáo tát vào miệng liên tiếp, bắt quỳ giữa lớp |
Rộ thông tin 'cán bộ Bạc Liêu bị đánh bể đầu vì bia ôm'
Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội "Hợp tác xã Dịch" được cho là gán ghép sai sự thật. Ảnh chụp màn hình Facebook |
Chiều 7-8, ông Nguyễn Bình Tân, Bí thư huyện ủy Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Đã làm rõ vụ tin đồn trên Facebook "Chủ tịch huyện cùng cán bộ nhậu bia ôm rồi đánh nhau bể đầu".
"Đó là tin sai sự thật, gán ghép"- ông Tân nói.
Trước đó, tài khoản "Hợp tác xã Dịch" đang trên Facebook bức ảnh cán bộ huyện Vĩnh Lợi đứng hát với một phụ nữ và ảnh một người bị thương ở trán kèm thông tin một cán bộ được cho là chủ tịch huyện này đi nhậu karaoke ôm và đánh nhau bể đầu sứt trán. Sau đó, thông tin trên được phát tán sang nhiều diễn đàn khác và thu hút nhiều bình luận.
Theo Bí thư Tân, nội dung Chủ tịch huyện đi nhậu bia ôm rồi liên quan đến vụ đánh bể đầu rách trán là hoàn toàn sai sự thật. Theo báo Người Lao động.
Cụ thể, tối 4-8, ông P. Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi có tiếp khách tại một quán nhậu ở TP. Bạc Liêu. Nhóm thuê đã loa kẹo kéo để cùng hát văn nghệ với nhau.
Lúc này một người trong tiệc nhậu chụp lại ảnh ông P. đang hát gửi cho bạn để thông báo là mình đang ngồi nhậu với Chủ tịch huyện.
Còn người bị khâu nhiều mũi ở trán trong ảnh là ông D. Phó phòng nông nghiệp huyện Vĩnh Lợi.
Tối 5-8, ông D. đi nhậu ở một quán thuộc địa bàn xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Trong cuộc nhậu này, D. bị ông K. một doanh nghiệp ở địa phương, dùng ly bia đánh chảy máu ở trán. Ông D. và ông K. là bạn thân.
"Cuộc nhậu chiều 5-8 cũng có ông Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi, nhưng không liên quan gì đến bia ôm. Cuộc nhậu này, đoàn vận động hiến đất của huyện tổ chức, để đãi một số người hiến đất làm cầu đường. Trong tiệc nhậu, ông D. có lời nói khích để ông K. hiến thêm đất nên hai bên tranh cãi. Sau khi đánh, ông K. đã chở bạn đi bệnh viện và hai ông đã làm hòa" - Bí thư huyện Vĩnh Lợi nói.
Ông Tân cũng khẳng định đã kiểm thông tin, cả hai cuộc đều ngoài giờ hành chánh, vì tiếp khách, chưa có dấu hiệu vi phạm nào. Theo Pháp luật TP.HCM thông tin.
Hiện Facebook đã xóa nội dung thông tin trên.
Xử phạt tài xế xe khách vừa ăn mỳ vừa lái xe trên quốc lộ
Tài xế ăn mỳ khi đang lái xe. Ảnh cắt từ clip |
Ngày 7/8, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Nghệ An vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế Trần Văn Bình (SN 1986, trú ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Tài xế Bình là người vừa ăn mì tôm vừa dùng khủy tay điều khiển xe khách giường nằm trên quốc lộ. Cụ thể, tài xế Bình bị tước giấy phép lái xe 2 tháng và xử phạt hành chính ở mức từ 1,5 triệu đồng. Hợp tác xã CP DVVT Hành khách Nghệ An đã có quyết định tạm đình chỉ 3 tháng đối với lái xe Trần Văn Bình kể từ ngày 6/8/2020.
Trước đó, vào ngày 4/8, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một đoạn clip kéo dài gần 1 phút ghi lại cảnh 1 tài xế vừa điều khiển xe khách giường nằm vừa ăn mỳ tôm hộp. Thời điểm này xe khách giường nằm đang chạy tốc độ rất cao nhưng nam tài xế này vẫn dùng tay trái cầm hộp mỳ, tay phải cầm đôi đũa gắp mỳ tôm ăn. Để điều khiển được xe trong lúc ăn, tài xế đã dùng khuỷu 2 tay để chỉnh vô lăng. Thời điểm này trên xe đang có hàng chục hành khách.
Ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải Nghệ An giao Thanh tra sở vào cuộc điều tra và nhanh chóng làm rõ danh tính của tài xế trong clip là Trần Văn Bình. Nam tài xế này cũng thừa nhận hành vi sai phạm của mình và hứa sẽ không lặp lại.
1 chủ tịch xã bị phê bình vì chưa quyết liệt chống COVID-19
Nhân viên y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Sở Y tế Bắc Giang |
Ngày 7-8, UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã có văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái vì chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái được xác định đã chậm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến các trường hợp F1 (của bệnh nhân số 673, 674); quản lý, giám sát đối tượng thuộc diện phải cách ly y tế tại gia đình không chặt chẽ; để cán bộ y tế xã cập nhật thông tin về các trường hợp đang được cách ly y tế tại nhà không chính xác.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái còn thực hiện không nghiêm túc chế độ báo cáo công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của Phòng Y tế và Chủ tịch UBND huyện; phải để đôn đốc nhiều lần, chất lượng báo cáo không bảo đảm.
Do những thiếu sót nêu trên, UBND huyện Lạng Giang yêu cầu Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.
Tính đến hiện tại, Bắc Giang ghi nhận ba ca nhiễm COVID-19. Cả ba là thành viên trong một gia đình, đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 21-7 đến 24-7 vừa qua. Các bệnh nhân đều đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (TP Hà Nội).
Cũng theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang, trong số 246 người (F1, F2, F3) liên quan đến các ca bệnh, cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 187 người, kết quả âm tính 162 mẫu, còn 22 mẫu chờ kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, kết quả rà soát cho thấy 4.590 người đến/về từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang được giám sát.
Toàn tỉnh có 279 người nghi nhiễm COVID-19 được cách ly điều trị tại cơ sở y tế, trong đó 276 người đã loại trừ khi có xét nghiệm âm tính hoặc khỏi ra viện, ba người đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng chưa loại trừ.
Từ 7/8, Hà Nội xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng
Người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng sẽ bị phạt, kể từ hôm nay (7/8). Ảnh minh họa |
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 7/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề xuất Thủ tướng nâng lên một mức cảnh báo cao hơn đối với Hà Nội, những nơi tập trung đông người, công cộng đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và đều phải có nước sát khuẩn.
Đặc biệt, bắt đầu từ hôm nay (7/8), TP sẽ triển khai các lực lượng xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang.
Cũng theo ông Chung, Hà Nội là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động, từ hôm nay, Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
TP cũng đề xuất với Thủ tướng có thể nâng lên một mức cảnh báo cao hơn, nguy cơ cao hơn đối với Hà Nội; yêu cầu tất cả các sinh hoạt hằng ngày, nơi tập trung đông người, nơi công cộng đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và phải có nước sát khuẩn.
Nhấn mạnh đeo khẩu trang là một yêu cầu hiện nay, trước hết đối với nơi công cộng, các TP lớn, nơi có dịch, Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với cá nhân không sử dụng khẩu trang ở nơi đông người.
Trước đó, Hà Nội đã cấm triệt để quán bar, karaoke và các lễ hội cũng như các sự kiện thể thao. Đồng thời yêu cầu và tuyên truyền tất cả những người tham gia giao thông và tham gia giao thông công cộng đều phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những trường hợp không đeo.
Theo ông Chung, Hà Nội hiện có 4 ca dương tính và tất cả đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Đà Nẵng.
Từ hôm nay (7/8), Hà Nội triển khai xét nghiệm khẳng định trên diện rộng cho các trường hợp trở về từ Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 29/7, trước mắt ưu tiên cho các địa bàn có nguy cơ cao, các trường hợp tiếp xúc gần với mầm bệnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ…
Để thực hiện tốt việc xét nghiệm, Hà Nội huy động, vận động các lực lượng xã hội ủng hộ thiết bị máy móc, vật tư cho công tác này; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho Hà Nội mua thiết bị, máy xét nghiệm đồng bộ theo phương thức chỉ định. Việc này, nếu tiến hành theo hình thức đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ xét nghiệm.