Tin tức pháp luật sáng 1/8: Truy tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ra tòa
Truy tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ra tòa
VKSND Tối cao đã truy tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm ra TAND TP.HCM để xét xử. Ảnh: PLO |
VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các bị can trong vụ giao đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM ra TAND TP.HCM để xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. VKSND Tối cao cũng phân công VKSND TP.HCM thực hiện công tố và kiểm sát xét xử vụ án này.
Vụ án này VKSND Tối cao từng nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề. Đến nay, viện chính thức truy tố các bị can ra tòa.
Theo đó, ngoài ông Nguyễn Thành Tài, cáo trạng còn truy tố nhiều bị can khác trong cùng vụ án. Đó là ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (cựu bí thư Quận ủy quận 2), Lê Thị Thanh Thúy (cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) và Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng quản lý đất thuộc Sở TN&MT TP.HCM).
Theo hồ sơ, khu nhà, đất số 8-12 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) có tổng diện tích hơn 4.896 m2 thuộc sở hữu nhà nước. Ngày 20-11-2007, UBND TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại. Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý khu đất này, bà Thúy đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân tác động đến ông Tài - lúc đó là phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - ký nhiều văn bản.
Đồng thời, ông Tài chỉ đạo các bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) và các ông Kiệt, Nam và Út thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Cụ thể, các bị can chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, các bị can quyết định áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản. Điều này đã tạo điều kiện cho bị can Thúy được tham gia thực hiện dự án, dẫn đến thay đổi quyền quản lý khu đất trên từ của Nhà nước sang quyền sử dụng của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật.
Cáo trạng xác định ông Tài là người chỉ đạo, thực hiện hành vi ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật dẫn đến thất thoát, lãng phí về tài sản cho Nhà nước số tiền 1.927 tỉ đồng nên phải chịu trách nhiệm chính.
Bị can Thúy có vai trò đồng phạm, là người thực hiện hành vi xúi giục, tác động ông Tài ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật. Các bị can còn lại với vai trò đồng phạm, đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Tài đề xuất UBND TP chấp thuận những đề nghị vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Đi vào nội dung, VKSND Tối cao cho rằng do có mối quan hệ tình cảm từ trước với ông Tài nên bà Thúy xin được tham gia dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM mà không phải cạnh tranh, không qua đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án.
Nội dung công văn do bị can Thúy ký tự giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm là công ty có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, trên thực tế công ty này mới được thành lập, hoàn toàn không có bất kỳ kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và chưa thực hiện dự án bất động sản nào trước đó.
Từ đó, ông Tài đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo các bị can thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Ông đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn góp tại dự án, không thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm. Bản chất của việc này là chuyển dịch tài sản đang thuộc quyền quản lý từ Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.
Ông Tài đã chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm của bà Thúy tham gia dự án mà không giao cho các cơ quan chức năng thẩm định về mặt chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực tài chính của doanh nghiệp, trái với chủ trương của UBND TP.HCM…
Bị dọa đốt nhà, nam thanh niên ra tay sát hại hàng xóm
Lữ Quý Hùng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật |
Ngày 31/7, tại TAND tỉnh Nghệ An, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử Lữ Quý Hùng (23 tuổi), trú xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An về tội Giết người.
Theo cáo trạng, khoảng 10h trưa 7/10/2019, Hùng đang phơi lúa tại nhà bố vợ thì anh Kha Văn Ng. (SN 1973) đi bộ đến chỉ tay, nói ú ớ chửi bới và đòi đánh Hùng.
Biết anh Ng. nói ngọng, không rõ lời nên Hùng im lặng, đồng thời ra hiệu cho anh này đi chỗ khác. Tuy nhiên, anh Ng. không đi mà nhặt một hòn đá và lấy bật lửa ra bật, rồi chỉ tay về phía nhà bố vợ Hùng.
Qua cử chỉ, hành động của Ng., Hùng nghĩ người này ra hiệu đe dọa đốt nhà cũng như quán bán hàng của mình nên đuổi đi. Khoảng 11 giờ cùng ngày, nghĩ gia đình mình nhiều lần cưu mang, cho Ng. ăn uống mà anh này lại phụ ơn nên Hùng bực tức, lấy một thanh gỗ đi đánh Ng..
Khi thấy anh Ng. ngồi trên ghế đá trước quán tạp hóa nên Hùng dừng xe, cầm thanh gỗ đánh vào đầu anh Ng. khiến nạn nhân gục xuống. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Ng. đã tử vong ngay sau đó. Nguyên nhân cái chết được xác định do vỡ xương hộp sọ, xuất huyết não do chấn thương.
“Bị cáo bức xúc vì nghĩ anh Ng. dọa đốt nhà và quán nên đã ra tay đánh người, chứ không có ý định giết người. Cái chết của anh Ng. xảy ra ngoài ý muốn của bị cáo”, Lữ Quý Hùng bao biện cho hành vi của mình tại tòa.
Tại tòa án sơ thẩm diễn ra vào tháng 2/2020, tòa án đã tuyên phạt Lữ Quý Hùng 12 năm tù. Sau bản án, mặc dù Hùng không hề kháng cáo nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có kháng nghị yêu cầu tăng mức án.
Tại phiên tòa ngày 31/7, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên kháng nghị. Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hùng trình bày hoàn cảnh khó khăn, con đang nhỏ để xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, xét thấy kháng cáo của viện kiểm sát là có cơ sở. Do vậy, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát, sửa bán án sơ thẩm, tuyên phạt 13 năm về tội Giết người.
3 đối tượng đổ dầu thải vào nguồn nước nhận hơn 12 năm tù giam
Ảnh minh họa |
TAND thành phố Hòa Bình vừa đưa ra xét xử vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn cấp nước Hà Nội vào tháng 10/2019.
Các bị cáo Lý Đình Vũ (38 tuổi), Nguyễn Chương Đại (26 tuổi) cùng trú tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (34 tuổi) trú tại huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cùng phạm tội “gây ô nhiễm môi trường”.
Tại phiên tòa cũng như tại cơ quan điều tra, ba đối tượng trên đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, căn cứ vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên phạt Lý Đình Vũ 5 năm tù giam, Hoàng Văn Thám 4 năm tù giam và Nguyễn Chương Đại 3 năm 6 tháng tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đưa ra yêu cầu buộc các bị cáo và Công ty Cổ phần gốm sứ CTH phải bồi hoàn các chi phí ứng phó sự cố, xử lý ô nhiễm dầu xâm nhập vào nguồn nước với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra và điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án cũng chưa làm rõ được mức thiệt hại.
Theo nội dung vụ án, sáng 9/10/2019, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện có vệt dầu loang, bốc mùi khét trên dòng suối dẫn nước về hồ Đầm Bài đổ vào nhà máy. Công ty đã báo cáo với cơ quan Công an về sự việc trên để truy tìm nguồn đổ thải.
Qua quá trình điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình xác định, vào đầu tháng 10/2019 Lý Đình Vũ và Nguyễn Thị Huyền Trang có trao đổi qua điện thoại về việc Vũ sẽ xử lý dầu thải cho Công ty cổ phần gốm sứ CTH với giá 1.000 đồng/lít.
Ngày 6/10/2019, Vũ chỉ đạo Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám lái xe chở theo 10 thùng nhựa loại 1.000 lít/thùng đi từ Thuận Thành (Bắc Ninh) tới Công ty Cổ phần gốm sứ CTH tại thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) để hút dầu thải với tổng trọng lượng là 8.830kg. Sau đó, Đại và Thám chở số dầu trên về huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho Vũ tìm chỗ đổ xả thải.
Đến 16h ngày 8/10/2019, Lý Đình Vũ gọi điện cho Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám lái xe mang số dầu thải trên tới địa điểm đường liên xã Phúc Tiến – Phú Minh để đổ.
Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, kết luận giám định của cơ quan chức năng chỉ ra, trong các mẫu chất thải thu thập tại hiện trường vụ đổ thải đều tìm thấy thành phần nguy hại nhất là benzene.
Bắt giám đốc Tiên Phong Land bán dự án 'ma' chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Công an làm việc với Nguyễn Thị Diệu Thúy. Ảnh: Báo Tiền Phong |
CQĐT Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Diệu Thuý (SN 1984), HKTT D-125, chung cư D1, KDC Phú Lợi, phường 7, quận 8, TP HCM) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo báo Pháp luật TP HCM, trước đó, hồi tháng 7/2018, Thúy cùng Vũ Tiến Hường thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng lô đất hơn 2.000m2 (gồm cả đất lúa và đất ao) ở phường Phú Hữu, quận 9 (TP HCM).
Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, dù chưa hoàn thành việc chuyển nhượng, đất còn đang bị thế chấp tại ngân hàng, chưa giải chấp và đang bị tranh chấp, còn thiếu các giấy tờ pháp lý liên quan như chưa được duyệt quy hoạch 1/500, chưa có giấy phép xây dựng… nhưng bà Thúy đã liên hệ với Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Eagle Land để hợp tác.
Công ty Eagle Land do ông Trương Tuấn Em làm Giám đốc đại diện pháp luật. Hai bên đã tự lập bản vẽ phân lô khu đất trên thành 29 nền đất với tên gọi "Khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu, Quận 9" và tổ chức rao bán.
Từ đó, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Eagle Land cùng Vũ Tiến Hường (với vai trò là chủ sở hữu đất) và bà Thúy đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho 22 khách hàng, nhận và chiếm đoạt tổng cộng hơn 40 tỷ đồng.
Còn bà Thúy sau khi cùng Eagle Land ký hợp đồng và thu được một phần tiền của khách hàng, đến tháng 9/2018 đã đứng tên thành lập Công ty TNHH Đầu tư Tiên Phong Land (phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) rồi tổ chức ký lại toàn bộ các hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng rồi thu tiếp tiền.
Tuy nhiên, Eagle Land và Tiên Phong Land không chuyển nhượng được đất, không phân lô tách thửa, không thực hiện được dự án và cũng không có đất để bàn giao cho khách theo các hợp đồng chuyển nhượng đã ký. Tiền thu của khách hàng như trên cũng không hoàn trả được cho người mua.
Báo Tiền Phong đưa tin thêm, xác minh tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM cho thấy, cơ quan chức năng xác định lô đất trên nằm trong quy hoạch nhóm đất nhà ở xây dựng mới thấp tầng (nhà liên kế vườn biệt thực vườn), khi muốn thành lập dự án hay phân lô bán nền thì phải lập bản vẽ quy hoạch chi tiết (1/500) và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị mới đủ điều kiện đưa vào giao dịch mua bán.
Sở Xây dựng TP HCM cũng cho biết, đến nay, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nộp hồ sơ xin thành lập dự án "Khu dân cư mới Gò Cát – Phú Hữu, Quận 9", cũng như làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng của các thửa đất nêu trên.
Ngày 5/4/2019, UBND Quận 9 đã ban hành Quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả việc xây dựng trái phép trên khu đất này do Vũ Tiến Hường và Nguyễn Thị Diệu Thuý tiến hành xây dựng hạ tầng không phép trên lô đất trên.