Nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19
Những năm gần đây, Hội LHPNVN đã xác định hỗ trợ phụ nữ hội nhập và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là cú huých khiến chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu tất yếu, cấp thiết đối với các quốc gia cũng như từng cá nhân. Thực tế cho thấy, phụ nữ gặp nhiều rào cản, khó khăn trong tiếp cận thiết bị công nghệ, kiến thức và kỹ năng số, chính vì vậy, chị em đang rất cần được nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số để tận dụng cơ hội phát triển bản thân, gia đình và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.
Từ ngày 8/11 đến 13/11, Hội LHPN Việt Nam tổ chức 15 lớp đào tạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử dành cho chị em phụ nữ. (Ảnh minh họa) |
Trong thời gian qua, Hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế như tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Tại tọa đàm “Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 vì phát triển bền vững” tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội, các nhà ngoại giao, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà hoạt động phát triển cộng đồng, cán bộ phụ nữ... đã chia sẻ nhiều thông tin, ý kiến về kinh nghiệm, những hoạt động thực tiễn cũng như giải pháp cụ thể nhằm thiết thực nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chuyển đổi số cho phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới trong và hậu đại dịch Covid-19.
Một số ý kiến tiêu biểu như Tổ chức các chương trình đào tạo trực tuyến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, tiêu thụ nông sản; trang bị kiến thức, kỹ năng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của chị em cũng như đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực. Đồng thời các đại biểu cũng xác định vai trò của gia đình, của các doanh nghiệp trong việc thay đổi khuôn mẫu giới để tạo điều kiện cho trẻ em trai và trẻ em gái, phụ nữ và nam giới có cơ hội bình đẳng trong một xã hội số và nền kinh tế số.
Ngay sau đó, để hiện thực hóa các mục tiêu hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19, từ ngày 8/11 đến 13/11, Hội LHPN Việt Nam tổ chức 15 lớp đào tạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử dành cho chị em phụ nữ.
Các lớp đào tạo được chia thành tổng quan và chuyên sâu theo lĩnh vực: Sản phẩm nông nghiệp thô; sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến, thủ công mỹ nghệ, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, thời trang...
Tham gia lớp học, chị em phụ nữ được tiếp thu các kiến thức tổng quan về thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021; các chỉ số về nhu cầu thị trường trong mùa dịch Covid-19; nghiên cứu hành vi khách hàng và chọn thị trường ngách để dễ thành công trên online; các kênh thương mại hiệu quả hiện nay, ưu nhược điểm của từng kênh. Đặc biệt các giảng viên sẽ hướng dẫn các chị em xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến như: Cách thu hút khách hàng online từ các kênh miễn phí, lựa chọn chiến lược phù hợp để triển khai đối với từng sản phẩm...
Dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại Lào Cai và Sơn La" (GREAT) đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến cung cấp những kiến thức, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm và dịch vụ trên sàn thương mại điện tử cho phụ nữ dân tộc thiểu số. |
Bên cạnh các hoạt động hiệu quả của Hội LHPNVN, đầu tháng 10 vừa qua, dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại Lào Cai và Sơn La" (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ cũng đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến cung cấp những kiến thức, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm và dịch vụ trên sàn thương mại điện tử cho phụ nữ dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Được biết, dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) là một sáng kiến hàng đầu trong chương trình Aus4Equality do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ. Dự án được thực hiện đến 31/12/2021 với tổng đầu tư 33,7 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) trong hơn 4 năm.