Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Trách nhiệm của Hiệu trưởng ở đâu trong khi học sinh bị tát 231 cái?
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo học sinh trong lớp tát bạn và bản thân tát học sinh, Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Quyết định đã được gửi sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp chờ phê duyệt.
Sự việc xảy ra vào chiều 19/11, tại trường THCS xã Duy Ninh, em Hoàng Long N. (11 tuổi), học sinh lớp 6.2 có nói tục ngoài sân trường thì bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977), giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 đã đưa ra hình thức bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào má N. 230 cái.
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc.
Không chỉ bị bạn trong lớp tát rất nhiều cái vào má, N. còn bị cô giáo tát thêm một cái khiến má bị sưng tấy. Sau đó gia đình phải đưa học sinh này đến bệnh viện điều trị.
Được biết, cô Thủy là giáo viên dạy môn Toán và Giáo dục công nghệ và là giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, mới chuyển từ trường THCS Hải Ninh (cùng huyện) về trường này được vài tháng. Trước đây, lúc còn dạy ở trường THCS Hải Ninh, cô Thủy cũng có cách xử lý phi giáo dục này khiến phụ huynh bức xúc. Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh cũng đã ký công văn tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy.
Trao đổi với PV báo Thời Đại, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc giáo viên có hành vi đánh học sinh đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm.
Ông có bất bình khi biết được thông tin cô giáo chỉ đạo các học sinh trong lớp tát bạn và bản thân cũng tát học sinh vừa qua ở Quảng Bình?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta đã tuyên truyền chống bạo lực học đường từ lâu không hiểu vì sao cô giáo vẫn có hình phạt với học sinh hết sức dã man như vậy. Cô giáo không những đánh trực tiếp mà còn bắt các học sinh cả lớp tát bạn. Các em học sinh không ai tưởng tượng ra sáng kiến này của cô giáo cả, nó vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, nhân cách nhà giáo, đặc biệt đã tuyên truyền nói rất nhiều nhưng cô vẫn ngang nhiên làm điều đó.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.
Tôi cho rằng vụ việc này, nếu cô giáo là lần đầu và thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý xử phạt đối với các em học sinh thì cần khuyên bảo và cho cô giáo này một cơ hội sửa sai. Nhưng theo thông tin tôi nắm được qua các phương tiện thông tin đại chúng thì hành vi vi phạm của cô giáo này không phải là lần đầu và cũng không phải là một lần phạt các em của lớp này. Nếu cô giáo này thường xuyên có hành vi đánh học sinh thì cần xử lý kỷ luật theo đúng các quy định hiện hành.
Trong câu chuyện này, nhiều bậc phụ huynh còn bức xúc khi biết được cô này từng “hành xử” nhiều lần với các học sinh. Ngoài cô chủ nhiệm thì BGH nhà trường vô can?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Cơ quan công an vào cuộc thu thập chứng cứ và khởi tố vụ án là đúng chức năng nhiệm vụ của ngành công an. Thông tin trên báo chí cũng có nói cô giáo này có hành vi đánh học sinh nhiều ở cả các trường mà trước đây cô này từng công tác. Riêng tại lớp vừa xảy ra vụ việc cũng không phải là lần đầu tiên mà trước đó cũng đã từng có việc cô giáo này đánh học sinh. Cô này cũng từng nói, sẽ dùng tiền để làm chìm xuồng những vụ việc đánh học sinh.
Trong vụ việc này cũng cần xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường khi để cô giáo đánh học sinh nhiều lần mà không biết, không can ngăn hay có biện pháp ngăn ngừa nào. Hay là hiệu trưởng đã nhận tiền để dung túng cho những việc làm sai của cô giáo kia?
Là người đứng trên bục giảng, thầy cô giáo phải yêu thương, giúp đỡ học trò, không thể vì bức xúc thi đua mà đổ lên đầu trẻ, đặc biệt dùng hình phạt để bạn bè tát học trò, đó là đang gây hậu quả kép. Đây là việc gieo bạo lực trong học trò, sau này lớn lên nhân cách các em sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông để hạn chế những vụ việc như thế này ngành giáo dục cần phải làm gì?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Trong những trường hợp này, giáo viên có nhiều biện pháp giáo dục như nhắc nhở, bắt lấy nước súc miệng đó là nhân văn, hay đi trực nhật, quét trường, thậm chí yêu cầu học sinh đứng trước lớp hứa không bao giờ tái phạm nữa… để các em thấy trách nhiệm, sai lầm của mình. Phải phân tích giáo dục học sinh, giáo dục chứ không phải trừng phạt.
Vấn đề chạy theo thành tích ở các trường hiện nay vẫn còn. Học sinh hạnh phúc là khi đến trường, đó là mới là mục tiêu của nhà trường. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nghiên cứu xóa nếp hiện nay cho các trường chạy theo thành tích, áp đặt học trò.
Xin cám ơn ông!
Xuân Hòa