Tiền gửi dân cư tăng trở lại, ngân hàng nào đang có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
Ảnh minh họa |
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 2/2024, trong đó đáng chú ý, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Trong khi đó, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm.
Tổng số lượng tiền gửi trong hệ thống tính đến cuối tháng 2 giảm nhẹ từ 13,17 triệu tỷ đồng (ghi nhận cuối tháng 1) xuống còn 13,16 triệu tỷ đồng.
Nguồn: NHNN |
Tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn còn thấp dù các nhà băng bắt đầu điều chỉnh tăng trở lại.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy, nhóm ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong quý vừa qua vẫn là các ngân hàng trong nhóm ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, BIDV là ngân hàng dẫn đầu với tổng số tiền gửi trong quý I với con số hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2023.
Tiếp theo là VietinBank với mức số dư tiền gửi đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%. Còn Vietcombank xếp vị trí thứ 3 với tổng tiền gửi khách hàng quý I là 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2023.
Ở nhóm các ngân hàng cổ phần, MB tiếp tục dẫn đầu với 558.826 tỷ đồng tiền gửi, giảm 1,5% và đứng thứ 4 toàn ngành. Tiếp sau là Sacombank với số tổng tiền gửi đạt 533.358 tỷ đồng, tăng 4,4%.
Các ngân hàng ở vị trí sau là ACB (492.804 tỷ đồng, tăng 2,1%); Techcombank (458.040 tỷ đồng, tăng 0,8%), VPBank (455.817 tỷ đồng, tăng 3%) SHB (444.297 tỷ đồng, giảm 0,7%), HDBank (378.789 tỷ đồng, tăng 2,2%).
Ngân hàng nào đang có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
Tính từ đầu tháng 5/2024, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất như ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, SHB, MB.
Xu hướng tăng lãi suất đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
Hiện nay, lãi suất ngân hàng PVcomBank hiện ở mức cao nhất, với 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Tuy nhiên, đi kèm với mức lãi suất cao này là điều kiện số tiền gửi tối thiểu phải ở mức 2.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là HDBank với mức lãi suất khá cao 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Bac A Bank cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 5,6%/năm cho kì hạn 12 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức khá cao như: NCB (5,4%), OCB (5,4%), BVBank (5,3%)...
Trong sự kiện được tổ chức mới đây, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và khá chắc chắn là đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc; từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng.
Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch COVID-19 cũng cho thấy, tín dụng trong nước thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm. Từ nhận định đó, chuyên gia UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng 0,5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ tháng 5 đến hết năm 2024.
Thủ tướng: Phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay, hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5 Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển. |
Chuyên gia: Lãi suất là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát đồng VND Theo chuyên gia, điều hành tỷ giá ổn định rất cần sự linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường. |