Thủy Tiên và khoảng thời gian bị bạo hành, chỉ nghĩ đến cái chết
Trong một buổi tọa đàm tại chùa Hoằng Pháp, Thủy Tiên thẳng thắn chia sẻ toàn bộ những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực mà cô đã giấu kín.
"Đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng sợ mẹ sẽ chết"
Tôi sinh ra trong gia đình nội có bảy đời làm quan lớn. Nhưng đến đời cha tôi thì không được như vậy và rất khổ.
Năm tôi lên 9, cha tôi qua đời vì gia đình rất nghèo, không có tiền chữa bệnh. Ký ức tuổi thơ mà tôi nhớ nhất là thèm một ổ bánh mì nhưng không có tiền để ăn. Đến bây giờ, tôi ghét bánh mì, vì hồi đó không được ăn nên ghét luôn để khỏi có cảm giác thèm thuồng.
Sau khi cha tôi mất, đêm nào cũng vậy, vì sợ cha lạnh nên mẹ trở dậy thắp nhang. Nửa đêm tỉnh dậy, không thấy mẹ đâu, tôi đi tìm thì lần nào cũng thấy mẹ đang đứng gục bên bàn thờ và khóc.
Cứ như thế suốt một năm trời thì mẹ bị xuất huyết bao tử (dạ dày – PV). Cha tôi chết vì lao phổi nên mọi người xung quanh thấy mẹ nôn ra máu thì cứ nghĩ mẹ tôi cũng bị bệnh như cha.
Họ bắt ép mẹ đi vào khoa lao phổi để chữa. Đơn thuốc cho bệnh lao phổi là kháng sinh cực mạnh, với dạ dày đã loét đến mức ói máu, lại bị điều trị sai thuốc như vậy nên mẹ tôi ngày càng suy kiệt. Mắt mẹ bị lòa đi, không thể ngồi dậy được nữa.
Khoảng thời gian đó, đau khổ nhất trong cuộc đời tôi là đã mất đi người cha rồi nên đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng sợ hãi lỡ mẹ tắt thở chết thì sao?
Nỗi sợ hãi, lo lắng sẽ bị mất đi một người thân nữa, sẽ không còn ai bên cạnh nữa khiến tôi như sống trong địa ngục, khổ sở.
Mỗi sáng mở mắt tỉnh dậy, thấy mẹ vẫn ở bên cạnh là tôi mừng lắm! Những người khác mơ ước tiền bạc, nhà cao cửa rộng nhưng đôi khi, hạnh phúc lại rất nhỏ nhoi thôi.
Khi đó, mẹ bệnh nặng quá, không có ai chăm sóc nên phải vào tá túc ở mái sau của chùa. Còn tôi, họ hàng nội ngoại đều sợ nếu tôi về nhà thì sẽ bị lây bệnh cho mọi người nên quyết định gửi tôi vào nhà của một cô.
Căn nhà đó như một cái trại tập trung vậy. Cô đó bị bệnh tim, không sinh con được và thường nhận dạy dỗ những đứa trẻ rất lỳ lợm với kỷ luật thép.
Hằng ngày, tôi dậy sớm làm việc như người giúp việc trong nhà. Đến giờ đi học về là phải có mặt ở nhà, nếu không sẽ bị ăn đòn.
Mỗi ngày tôi đều phải ăn đòn khoảng 100, 200 cây. Cái cây to bằng ngón cái, mà đánh tới khi nào nó tưa ra, không thể đánh được nữa. Ngày nào cũng như vậy, máu me đầy người. Cô ấy cứ tức lên là sẽ bạo hành như vậy.
"Tôi nghĩ, mình có chết ở đây cũng không ai biết"
Trong quãng thời gian ở đó, tôi chỉ mong mỏi được người thân tới thăm. Nhưng chờ từ ngày này qua ngày khác mà không hề nghe thấy tiếng xe máy của mẹ. Nơi đó giống như một cái nhà tù và ngày nào tôi cũng nghĩ không biết bao giờ mình mới thoát được khỏi đây.
Khoảng thời gian đó, tôi chỉ muốn chết. Tôi thấy cuộc sống của mình vô nghĩa quá, phải ở với những người xa lạ, chẳng có cô dì chú bác nào ghé thăm. Tôi nghĩ tôi có chết ở đó cũng không ai biết là tôi đã chết và vì sao tôi chết.
Có những lúc, tôi thấy mình khổ quá và muốn chết cho xong. Nhưng tôi lại nghĩ, tại sao mình lại hủy hoại bản thân mình. Tôi có đọc trong một cuốn sách rằng hãy sống như loài cỏ dại. Vì dù có bị chà đạp như thế nào, loài cỏ cũng vẫn sẽ mọc lên, sẽ luôn ngẩng cao đầu.
Khi vượt qua được quãng thời gian đó, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi cũng nhận ra rằng ngoài kia có những người còn khổ hơn mình, chỉ là họ không nói ra mà thôi. Tôi chỉ mất cha, vậy là tôi còn quá may mắn so với những người sinh ra mà không có cả cha lẫn mẹ bên cạnh.
Sau này, nhiều người hỏi tôi có hận người phụ nữ đã bạo hành mình không? Lúc đó, tôi đã rất hận. Nhưng khi lớn lên, tôi lại nghĩ khác.
Tôi nghĩ rằng có lẽ ở một kiếp nào đó, tôi đã đánh đập hoặc làm khổ người khác nên kiếp này mình phải trả nghiệp. Nghĩ vậy nên tôi chọn thái độ khác để sống và chấp nhận tha thứ.
Bởi khi bạn hận một ai đó, cũng chính là bạn đã mang vào trong mình nỗi uất hận, dằn vặt và không thể nào cảm thấy hạnh phúc được. Vậy tại sao mình không buông bỏ những thù hận, những tổn thương mà người ta đã gây ra cho mình. Nếu buông bỏ được, bạn sẽ thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
Thủy Tiên chia sẻ về quãng thời gian ở nhà bảo mẫu.
Phong Lữ