Thúc đẩy xuất khẩu nông sản nhờ Chuỗi cung ứng lạnh
| |
Việt Nam chủ yếu cung cấp sản phẩm nông nghiệp thô, phương thức bảo quản vận chuyển cũng thô sơ |
“Chuỗi cung ứng lạnh” là mảng hoạt động vận chuyển (logistics) chuyên phục vụ, lưu trữ, vận chuyển các loại hàng hóa tươi sống có yêu cầu bảo quản lạnh như sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến, các sản phẩm dược phẩm,... trong kho lạnh và hệ thống vận tải hàng lạnh bằng xe tải, container lạnh và một số thiết bị chuyên dụng giao nhận,...
Theo Cục chế biến, tỷ lệ tổn thất trung bình trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển các sản phẩm nông sản Việt Nam là 25-30%. Đối với trái cây, rau quả mức độ tổn thất có thể lên đến 45%, đối với các sản phẩm thủy, hải sản là 35%,... mà nguyên nhân được xác định do tiêu chuẩn cơ giới hóa và năng lực vận hành chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất, kinh doanh nông sản tại Việt Nam còn thấp.
Đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam theo thang điểm 100, Việt Nam hiện chỉ đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản.
Cùng với đó, vấn nạn khó kiểm soát của nhiều loại hóa chất đang được sử dụng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản, các hóa chất, chất bảo quản này thường độc hại nhưng giá rất rẻ, giúp nông sản giữ được vẻ tươi mới trong thời gian khá dài đang hoành hành trên thị trường, gây rất nhiều bức xúc, lo sợ cho người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phá hoại môi trường sản xuất…
Để cải thiện thực trạng trên, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản đối với người tiêu dùng, đặc biệt là đáp ứng được các quy chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ của thị trường xuất khẩu, ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam cần nhanh chóng phát triển chuỗi cung ứng lạnh.
Việc sử dụng chuỗi lạnh sẽ kéo dài thời gian sử dụng các mặt hàng nông sản, thủy sản, hoa quả… từ 2-3 ngày tới 7 ngày khi bảo quản tại nhà, cũng như tăng thời gian trưng bày tại cửa hàng từ 3 lên đến 7 ngày và làm giảm hao hụt từ 60-70 %, đồng thời có thể phục vụ xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa nông sản đi những khoảng cách rất xa, mà không làm thay đổi chất lượng gốc của sản phẩm. tuyệt nhiên không sử dụng hóa chất.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản năm 2019” được tổ chức tại Hà Nội sáng mùng 5/3, trong hàng loạt những vấn đề được nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã khẳng định rằng, để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản, đóng gói nhãn mác để nâng cao giá trị nông sản, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Hy vọng, với định hướng cụ thể như trên, trong những năm tới điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” sẽ không còn nỗi lo lắng ám ảnh người nông dân Việt Nam.