Thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển
Nuôi trồng hải sản ngoài biển (nuôi biển) là giải pháp căn cơ trong tái cấu trúc ngành thủy sản nhằm giảm cường độ khai thác ngoài tự nhiên, tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần giải quyết những tồn tại, hạn chế để thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển.
Còn nhiều khó khăn
Phó Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) Đào Tư Hiền cho biết, sản xuất con giống nuôi biển không chỉ đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đầu tư cao mà còn yêu cầu khu vực tách biệt với vùng nuôi thương phẩm. Hiện nay, dọc khu vực ven biển của tỉnh đã kín hồ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nên chưa thể tìm được diện tích phục vụ yêu cầu thử nghiệm và ươm nuôi con giống. Ngoài ra, mật độ lồng bè nuôi biển hiện nay quá dày, hạ tầng vừa thiếu lại vừa yếu, công nghệ lạc hậu... nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, dẫn đến nguồn giống nuôi biển hạn chế về chủng loại, không đồng đều về kích cỡ, kém ổn định về chất lượng. Đây là nguyên nhân khiến con giống nuôi biển trong tỉnh khan hiếm, phải nhập từ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Hầu hết lồng bè nuôi biển trên địa bàn tỉnh sử dụng khung tre hoặc gỗ, phao xốp nổi nên không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường biển. |
Hiện nay, vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ. Ông Huỳnh Ngọc Thảo, ở thôn An Hải (Lý Sơn) cho biết, lồng bè khung gỗ phao xốp nổi nên mỗi khi có mưa bão rất vất vả, vì phải liên tục di dời đến khu vực tránh trú. Điều này vừa mất an toàn, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của cá. Biết vậy nhưng chúng tôi nuôi nhỏ lẻ, không có khả năng đầu tư vật liệu mới vì chi phí quá lớn. Một lồng bè có diện 100m2 (chia thành 4 ô nuôi) sử dụng vật liệu thân thiện, độ bền cao, hợp quy chuẩn sẽ có chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng, cao hơn loại thông thường từ 10 - 15 lần.
Cần sự đồng hành
Liên quan đến con giống phục vụ ngành nuôi biển, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá bán, tránh tình trạng các cơ sở tự ý làm giá. Theo đó, cần đầu tư phát triển hệ thống trại giống chuyên canh quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng sản lượng và chất lượng; đồng thời liên kết với địa phương triển khai thực hiện các mô hình chuyển giao kỹ thuật ươm dưỡng và nâng kích cỡ con giống lớn hơn. Điều này vừa kiểm soát được nguồn giống, vừa đảm bảo nhu cầu và đặc thù sản xuất của từng địa phương.
Để giảm sức ép về môi trường, nguồn lợi cũng như đa dạng hóa sản phẩm nuôi biển, cần dịch chuyển khu vực nuôi từ cửa biển, gần bờ ra vùng biển sâu. Muốn vậy, yêu cầu người nuôi phải sử dụng loại vật liệu làm lồng bè có độ bền, chịu được điều kiện sóng to gió lớn. Song, chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn, nên người dân rất khó có thể thực hiện. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển bền vững.
Giám đốc Công ty TNHH Super Trường Phát Minh Quang, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Hải Bình đề xuất, để giảm áp lực chi phí đầu tư ban đầu cho người dân, cần có chương trình khuyến ngư theo hướng “Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng làm”. Về phía doanh nghiệp cung cấp vật liệu, cần triển khai thực hiện chính sách thu mua lại tất cả sản phẩm thải, bỏ hoặc sản phẩm đã sử dụng sau 10 năm khi các hộ không có nhu cầu sử dụng hoặc muốn thay đổi với giá cả hợp lý, để tuần hoàn tái chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, nuôi biển là hướng phát triển chiến lược trong xu thế hiện nay thông qua việc sử dụng vật liệu làm lồng bè thân thiện với môi trường, độ bền cao nhằm phục vụ giữa nuôi trồng và du lịch. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức và TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, các quỹ đất phục vụ nuôi biển tương ứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương. Qua đó kêu gọi nhà đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng tập trung, quy mô, gắn với xây dựng và đề xuất chính sách hỗ trợ người dân, nhằm gia tăng giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND về việc Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022–2025 nhằm khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả các tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm,... |
Sẽ tổ chức hội nghị đối thoại về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội" Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội" dự kiến sẽ được tổ chức vào sáng ngày 15/10/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 62 tỉnh/ thành phố. |