Thủ tướng Phạm Minh Chính: Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc'. |
Thông báo nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian ngắn đã rất nỗ lực xây dựng dự thảo Tờ trình, Báo cáo, cơ bản đáp ứng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp thống nhất nhiều quan điểm lớn.
"Trong 20 năm qua, chúng ta chỉ làm được gần 1.200 km đường bộ cao tốc. Trong 10 năm tới (2021 - 2030), chúng ta cần phải làm gần 4.000 km đường bộ cao tốc mới. Đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm và vinh dự của chúng ta trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Chúng ta quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ được giao với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, của nhân dân, của ngân hàng và cả hệ thống chính trị", Thủ tướng nêu rõ.
Với nhiệm vụ được giao, ngân sách Nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy, phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách Trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.
Kế hoạch đầu tư cần hợp lý giữa các vùng, miền, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, những vùng động lực; phải có trọng tâm, trọng điểm (tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông), các tuyến vành đai của thành phố Hà Nội và TP.HCM) và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.
Phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền.
Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.
Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm. Tất cả phải vì dân, vì nước, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.
Thi công dự án đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Ảnh: Đèo Cả) |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phương hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phải xác định rõ nhu cầu đầu tư đường cao tốc; bám sát các điều kiện thực tế, cũng như các khó khăn vướng mắc... để từ đó xác định đúng tình hình, có bước đi phù hợp.
Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông (toàn quốc có khoảng 3.000 km), đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng...
Xác định rõ thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án cấp bách triển khai trước, mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía đông vào thời điểm thích hợp, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện (trong đó phân cấp, chia sẻ trách nhiệm của địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, trên cơ sở đúng thẩm quyền của từng cấp...).
Quán triệt quan điểm "Nói phải làm"; "Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn", Báo cáo thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phải thể hiện rõ công tác tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu như: Nâng cao trách nhiệm từng cấp và hệ thống chính trị trong công tác đầu tư xây dựng, từ công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư; thống nhất tư tưởng, hành động kịp thời, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm...
Đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương triển khai (trong đó có các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư...) và công tác tổ chức thực hiện, trên tinh thần công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin trong dư luận và người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, làm sâu sắc thêm nội dung dự thảo Báo cáo, Tờ trình Bộ Chính trị về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 theo phương thức cả gói. Mức hỗ trợ tổng thể của Nhà nước không quá 50% theo đúng Luật PPP nhưng giao Chính phủ quyết định điều hành linh hoạt từng dự án cụ thể. Một số vướng mắc, trong thời gian chưa sửa luật thì xin cơ chế đặc thù bằng một Nghị quyết của Quốc hội.
Đường trơn trượt, xe tải không làm chủ tốc độ 'húc' thằng vào xe Ben Sự việc được ghi lại xảy ra chiều nay 26/5 trên QL37 đoạn qua Văn Chấn – Yên Bái. |
Chủ tịch Quốc hội: Quyết tâm không có đơn vị, địa phương nào phải bầu cử muộn Đây là phát biểu kết luận của của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, tổ chức ngày 18/5. |
'Muốn đứng ở thị trường công nghệ cao thì phải có sở hữu trí tuệ' Phụ trách các hoạt động liên quan đến sáng chế và sở hữu trí tuệ của đơn vị TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), anh Nguyễn Cương Hoàng, Phó TGĐ VHT, khẳng định việc đăng ký sáng chế là tất yếu trong bối cảnh thị trường công nghệ đang có sự cạnh tranh lớn như lúc này. |