Thủ tục bảo lãnh người thân sang Pháp làm việc
Ảnh minh hoạ
Trả lời: Pháp không cấp thị thực làm việc. Trường hợp bạn muốn sang Pháp, bạn xin thị thực Schengen ngắn hạn: thăm thân nhân. Trình tự thủ tục như sau:
- Đương đơn đích thân nộp hồ sơ tại Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM. Không xem xét hồ sơ gửi qua đường bưu điện, fax hay thư điện tử.
- Đơn xin thị thực chỉ được chấp nhận khi đã thực hiện việc lấy hẹn qua số điện thoại 1900 6780 (từ thứ hai đến thứ sáu, chỉ áp dụng cho các cuộc gọi từ Việt Nam).
- Đương đơn xin thị thực phải cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
- Hồ sơ xin thị thực phải nộp sớm nhất 3 tháng hay trễ nhất 15 ngày trước ngày dự định đi.
- Thời gian xem xét hồ sơ xin thị thực trung bình là 15 ngày.
- Các dữ kiện sinh học (10 dấu vân tay và ảnh kỹ thuật số) được lấy tại thời điểm nộp hồ sơ.
- Khi cần thiết, đương đơn có thể được mời đến phỏng vấn và được yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ.
- Tất cả giấy tờ bằng tiếng Việt phải kèm theo bản dịch hợp lệ sang tiếng Pháp hay tiếng Anh (có dấu công chứng).
- Các giấy tờ khi nộp phải có kèm theo bản sao (photocopy). Bản sao sẽ được ký xác nhận hợp lệ khi trình bản chính. Phòng visa chỉ giữ lại bản sao. Bản chính được trả lại ngay cho khách.
- Các bản sao phải là cỡ giấy A4.
- Không chấp nhận văn bản là fax hay e-mail.
Hồ sơ xin thị thực gồm:
- Mẫu đơn xin thị thực Schengen: điền rõ ràng, ghi ngày và ký tên.
- 01 hình thẻ đáp ứng đủ các tiêu chí sau: ảnh chụp phần đầu của đương đơn, chụp từ phía trước mặt, chụp gần thời điểm nộp đơn, người trong hình giống người thực, khổ hình 3.5cm x 4.5cm, là hình màu trên nền trắng đồng màu (phông nền có màu không được chấp nhận), đầu để trần.
- Hộ chiếu có hiệu lực, được cấp không quá 10 năm, còn giá trị ít nhất ba tháng sau ngày rời khỏi lãnh thổ các nước thành viên Shengen, còn ít nhất 2 trang trắng: Nộp bản chính và bản photocopie tất cả các trang thông tin và các trang có dấu (nếu có).
- Sổ hộ khẩu: Nộp bản chính và bản photocopy.
- Lệ phí hồ sơ: trả bằng tiền mặt bằng VNĐ tương đương 60 euro.
- Thư mời của một cá nhân trong trường hợp lưu trú tại nhà của cá nhân này.
- Giấy tờ chứng minh chỗ ở: trường hợp lưu trú tại nhà một cá nhân - bản chính giấy bảo lãnh (attestation d’accueil) do Tòa thị chính nơi lưu trú cấp, trình bản chính + bản sao.
- Giấy tờ chứng minh đương đơn có đủ khả năng tài chính bảo đảm cho các chi phí của chuyến đi trong khu vực Schengen: sao kê tài khoản ngân hàng 3 tháng gần nhất, chứng nhận số dư tài khoản, sổ tiết kiệm, phiếu lương 3 tháng gần nhất, xác nhận mức lương của người sử dụng lao động (bản chính + bản sao).
- Các giấy tờ khác:
+ Giấy xác nhận đặt vé máy bay 2 lượt đi - về giữa Việt Nam và Pháp, do một công ty du lịch cấp (bản chính và bản sao).
+ Lịch trình chuyến đi, ghi rõ ngày đến, ngày đi, số ngày lưu trú tại từng quốc gia và mục đích của chuyến đi.
+ Giấy tờ chứng minh tình trạng nghề nghiệp: nhân viên: giấy xác nhận việc làm có ghi họ tên, chức danh, ngày bắt đầu làm việc và mức lương của đương đơn, được in trên giấy có tiêu đề của công ty, có đề ngày, có chữ ký và con dấu của công ty (bản chính và bản sao);
Người làm công việc tự do, chủ doanh nghiệp: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy báo thuế (bản chính và bản sao).
+ Thị thực của các quốc gia ngoài khối Schengen, nơi đương đơn sẽ đến ngày sau khi rời Pháp (bản chính và bản sao).
+ Bảo hiểm đi lại: Bảo hiểm du lịch quốc tế, bảo đảm cho các chi phí nhập viện và vận chuyển về nước tại khu vực Schengen trong thời gian chuyến đi (bản chính + bản sao).
Luật sư Trịnh Văn Hiệp (Tuổi Trẻ)