Thông tin những thay đổi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 tại Vĩnh Phúc
Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc vừa mới ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 - 2020 có phần trắc nghiệm (chiếm tỷ lệ 20% điểm bài thi -theo đề minh họa). Như vậy, kiến thức thi nằm trong chương trình cấp THCS. Hình thức thi này ở môn Ngữ văn có phải là mới và khó với học sinh?.
Không mới và khó với học sinh
Tại buổi trao đổi, lãnh đạo đại diện một số Phòng GD&ĐT khẳng định, hình thức ra đề trắc nghiệm kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn đã được các trường THCS thực hiện thường xuyên từ lớp 6 – 9. Vì thế, việc môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm tuyển sinh vào lớp 10 tới đây không gây khó khăn, bất ngờ với học sinh. Đa số phòng GD&ĐT cho biết, chưa ghi nhận được những phản ánh trái chiều của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Theo ông Trần Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Yên Lạc, nguyên là giáo viên dạy Ngữ văn đánh giá: “Câu hỏi trắc nghiệm có thuận lợi là giúp học sinh gỡ điểm phần nào bởi phần tái hiện kiến thức trong đáp án, giúp các em dễ dàng nhớ và lựa chọn đúng”.
Theo cô Lê Thị Lan - Giáo viên Trường THCS Yên Lạc, huyện Yên Lạc, cho biết, thực tế các đề kiểm tra, thi thử ở trường đã lồng ghép 2 hình thức này. Việc chuẩn bị kỹ về mặt kiến thức trong quá trình học tập, cũng như quen thuộc hình thức thi cho nên học sinh không có biểu hiện lo lắng hay ngỡ ngàng.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ với phương án thi nêu trên, cô giáo Trần Thị Hải Vân, giáo viên cốt cán thuộc Phòng GD&ĐT TP Phúc Yên, lập luận: Không những học sinh không khó khăn với các câu hỏi trắc nghiệm môn Ngữ văn mà cô còn nhận thấy một lợi thế, đó là khắc phục được tình trạng đề đọc hiểu môn Ngữ văn hiện nay đang “gây bão” với những đoạn ngữ liệu quá rộng mở, mà thiếu tính giáo dục cho học sinh.
Ông Phạm Khương Duy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đứng phát biểu tại buổi trao đổi chiều ngày 26/4/2019. |
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho đổi mới
Thầy giáo Nguyễn Văn Lự - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Yên nêu quan điểm: Ngữ văn là môn rèn luyện về ngôn ngữ. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm không thể hiện được tính tư duy về ngôn ngữ trong học sinh - đó là bất cập lớn nhất mà nhiều ý kiến từng tranh luận về việc có đưa câu hỏi trắc nghiệm vào môn Ngữ văn hay không. Theo thầy giáo Lự, đó cũng là lý do mà ngoài những đề kiểm tra thường xuyên 15 - 45 phút trên lớp, các kỳ thi lớn như THPT quốc gia vẫn giữ riêng môn Văn là đề 100% tự luận.
Bên cạnh đó, khâu ra đề, tổ chức thi cũng rất quan trọng. Thầy giáo Lự cho rằng thi trắc nghiệm đòi hỏi lượng kiến thức rộng; mặt bằng đối tượng học sinh THCS mới chủ yếu là đọc thông, viết thạo, mức độ hiểu ngôn ngữ chưa cao; hình thức thi này phụ thuộc rất lớn vào cách ra đề, độ khó dễ của đề, nếu trắc nghiệm đúng sai đơn thuần sẽ khó đánh giá được tư duy ngôn ngữ của học sinh, chưa kể việc tổ chức thi làm sao để đảm bảo công bằng, khách quan… cho nên, việc đổi mới, cần phải có lộ trình.
Qua tìm hiểu tâm tư của thầy trò, ông Trần Thái Mai - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô bày tỏ: Sở Giáo dục nên duy trì hình thi như truyền thống như mọi năm. “Việc đưa môn Ngữ văn về hình thức tự luận sẽ làm tăng sự sáng tạo của học sinh. Còn nếu thi theo hình thức trắc nghiệm đôi khi sẽ khiến học sinh trông cậy nhiều vào sự may rủi”, ông Thái Mai nói.
Còn ông Bùi Minh Tuân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo đặt ra câu hỏi: đưa vào trắc nghiệm bao nhiêu, mức độ khó dễ ra sao, chất lượng đề thế nào để đánh giá được toàn diện, công bằng, khách quan học sinh?.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến - Trường THCS Lập Thạch, huyện Lập Thạch và cô Đặng Thị Thùy Hương - Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Tam Đảo chung nhìn nhận, phần thi trắc nghiệm sẽ đánh giá kiến thức ở diện rộng, trong khi còn khoảng hơn 1 tháng nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ thi, thầy vào trò mong muốn sớm có đề minh họa. Điều này sẽ góp phần tạo tâm thế chủ động, tích cực cho học sinh và giáo viên.
| ||
Những lo lắng, quan tâm là chính đáng
Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến trao đổi, ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc nêu bật, những lo lắng, quan tâm của học sinh, thầy cô và các phụ huynh là điều chính đáng.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy khẳng định: Quan điểm của Sở là học gì, thi nấy. Việc học là hàng ngày chứ không phải đến thi mới học và cam kết, kiến thức để ra đề sẽ đúng trong chương trình sách giáo khoa, không có sự đánh đố để nhằm đáp ứng 2 mục tiêu: thứ nhất là tuyển sinh đúng đối tượng vào THPT, thứ hai là đảm bảo sự công bằng, lợi ích của học sinh và phụ huynh.
Về kỳ thi tuyển sinh THPT năm học 2019 - 2020, ông Phạm Khương Duy cho biết, dự kiến tỉnh Vĩnh Phúc dự có khoảng 15.300 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2018 - 2019; trong đó, 10.635 học sinh sẽ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập; số còn lại học nghề hoặc giáo dục thường xuyên.
Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh THPT năm học 2019 - 2020 giữ ổn định như năm học 2018 - 2019, tuy nhiên, cũng có một số thay đổi như quy định lại điểm liệt đối với các môn thành phần của bài thi tổ hợp (Anh, Lí, Sử) theo hướng thuận lợi cho học sinh. Đối với môn ngữ văn sẽ thi tự luận kết hợp trắc nghiệm nhằm phù hợp với việc học và kiểm tra, đánh giá hằng ngày.
Cùng với đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường tăng cường kiểm tra, rà soát, truyền thông tới học sinh, giáo viên và phụ huynh dạy đúng, đủ theo chương trình sách giáo khoa; không dạy thêm ngoài, tăng buổi và tạo tâm lý áp lực thái quá, không đáng có và không phù hợp với kỳ thi trong học sinh.
Buổi chiều cùng ngày 26/4, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã công bố đề thi minh họa môn Ngữ văn kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Đề thi gồm 2 phần: Trắc nghiệm (4 câu, 2 điểm) và Tự luận (2 câu, 8 điểm).
Với việc công bố đề thi minh họa này, ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khẳng định, kiến thức trong đề thi nằm trong chương trình học của học sinh đã được hướng dẫn cụ thể với phương châm học gì thi nấy, chứ không phải thi gì học nấy.