Thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Theo báo cáo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), có 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng internet. Con số này cho thấy đa số trẻ nhỏ tại Việt Nam sớm có cơ hội tiếp cận với thông tin trên không gian mạng. Điều này vừa là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng thách thức để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng.
Đa số trẻ nhỏ tại Việt Nam sớm có cơ hội tiếp cận với thông tin trên không gian mạng. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong 8 tháng năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 (Tổng đài 111) đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: Xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạt trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc.
Trước thực trạng trên, mạng lưới phòng thủ trước tác động xấu của môi trường mạng đối với trẻ em ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Đầu tiên là hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thời gian qua hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được xây dựng, bổ sung quy định trong một số văn bản, luật pháp, chính sách. Nổi bật là Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN năm 2019, tiếp đó năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em trên môi trường mạng. Những tài liệu này đã được gửi đến các tỉnh, thành phố và đăng tải trên website của Cục Trẻ em, Tổng đài 111.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp xử lý các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng, có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Bộ cũng chủ động thông tin, có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em ngay khi phát hiện các thông tin trên báo điện tử, mạng xã hội và từ phản ánh của người dân qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).
Nhằm giáo dục trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, nhiều cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin dành cho học sinh đã được tổ chức thành công. Tính đến tháng 8 năm nay có 740.250 học sinh của gần 5.417 trường trung học cơ sở trên 63 tỉnh, thành phố tham dự cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” (cao hơn số liệu thống kê năm 2022 khoảng 140.000 học sinh).
Nhiều hội thảo, chương trình tập huấn dành cho nhiều nhóm đối tượng để tìm hiểu thực tiễn cũng như đưa ra các giải pháp, sáng kiến để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập huấn cho trẻ em nòng cốt một số tỉnh, thành phố về kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Riêng năm 2022, con số trẻ em nòng cốt được tập huấn kỹ năng này là 128 em. Bên cạnh đó, 40 phóng viên báo chí cũng được tập huấn nghiệp vụ để các cơ quan truyền thông, báo chí chú ý đến việc bảo vệ thông tin cá nhân khi đăng tin, bài về trẻ em.
Hiện các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em và cha mẹ về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022).