Thị trường ô tô cũ “điên rồ” ở Cuba
Multimarcas, một đại lý phân phối ô tô ở ngoại ô Havana, không phải là một phòng trưng bày thông thường. Đại lý này chỉ có một nhân viên bán hàng, và mặc dù với tên “Multi” (nghĩa là nhiều) trong cái tên của nó thì chỉ có một chiếc xe mới cứng, mẫu Kia Picanto 2014, được bán ở đây.
Cái giá của nó sẽ khiến cho cả những người chi tiêu hoang phí nhất ở Mỹ và châu Âu cũng phải bĩu môi: 68.000 CUC (tương đương 68.000 USD). Con số này gấp 7 lần giá của một chiếc Kia Rio, một mẫu xe hơi tương tự, cùng tuổi ở Mỹ.
Ở Cuba, không chỉ những chiếc xe chưa qua sử dụng mới đắt đỏ. Một chiếc Geely của Trung Quốc trên Revolica, một trang Craiglist phiên bản Cuba, với “chỉ 93.000 km” trên đồng hồ công-tơ-mét, có giá 43.000 USD. Một chiếc Hyundai Accent 2012 đã qua sử dụng cũng có giá 67.000 USD.
Cuba nổi tiếng với những chiếc Cadillac và Chevey cổ điển chở khách du lịch đi vòng quanh, nhưng người Cuba lại thích lái những chiếc ô tô bình dân như Kia của Hàn Quốc và Peugeots của Pháp vì chúng thoải mái hơn và tiêu tốn ít nhiên liệu hơn.
Cuba là quốc gia duy nhất mà giá trị của những chiếc xe bình dân đang tăng lên theo thời gian, kể cả khi chúng “già cỗi” đi nhanh chóng vì những con đường nhiều ổ gà. Nguyên nhân là do nhu cầu đang tăng mạnh trong khi nguồn cung không trải qua xu hướng tương tự.
Cuba có một lịch sử phức tạp với phương tiện cá nhân. Sau cuộc cách mạng vào năm 1959, họ đã cấm gần như tất cả việc mua bán xe hơi (nhưng cho phép những chủ sở hữu sẵn có giữ lại ô tô). Chính phủ đưa ô tô cho những nghệ sĩ, vận động viên và những công nhân xuất sắc. Những quan chức cấp cao có thể sử dụng phương tiện của chính phủ và mua xe khi nghỉ hưu với giá ưu đãi. Giá xăng dầu gần như là cho không.
Khi Cuba mở cửa nền kinh tế, dù ngập ngừng, cũng đã cho phép thị trường xe hơi được tự do hơn. Từ năm 2013, những cá nhân bắt đầu mua bán xe hơi đã qua sử dụng dù chưa được sự cho phép của chính quyền. Xe mới chỉ được bán trong các đại lý phân phối của nhà nước như Multimarcas.
Truy cập Internet không được phổ cập gây khó khăn cho người mua để so sánh giá cả. Nhiều người tìm phương tiện đi lại thông qua truyền miệng hoặc trang Revolico, được chủ yếu sử dụng bởi những người bán hàng cá nhân và những thương nhân tự phát.
Tỷ lệ sở hữu xe hơi, 20 trên 1000 người, là một trong những mức thấp nhất thế giới. Chính phủ kiểm soát hàng nhập khẩu, cho phép nhập 2000 xe/năm trong 5 năm qua. Sự thận trọng của Cuba trong quá trình tự do hóa nền kinh tế đã dấy lên nhu cầu mua xe cũ.
Một nhóm doanh nhân mới, cuentapropistas (những người tự kinh doanh), cũng như những người Cuba với tiền mặt nhận được từ người thân ở nước ngoài mong muốn được sở hữu một chiếc xe hơi. Do đó, trong thị trường, ô tô cũ (có nguồn cung hạn chế) được coi là một mặt hàng “hoàn hảo” chứ không phải một cỗ máy đang xuống cấp.
Một thương nhân cho biết anh đã mua và bán 2 ô tô trong năm ngoái với lợi nhuận 20.000 USD, hơn rất nhiều so với lương 25 USD/tháng anh nhận được từ chính phủ. Anh ta thích không biết nhiều về người mua, vì họ có lẽ không muốn công khai số tiền của mình.
Một cặp vợ chồng cuentapropistas ở Havana mua một chiếc xe sedan 2011 của châu Âu với giá 30.000 USD bốn năm trước và bán nó với giá 45.000 USD. Sau đó, họ đã mua một chiếc SUV cũ với giá 100.000 USD. Người vợ nói rằng: “Chúng tôi có thể mua được vài chiếc BMW với giá tương tự ở Mỹ.”
Một người dân khác ở Havana đã bán nhà để mua một chiếc VW Golf 25 tuổi có giá 10.000 USD. Trong vòng 10 năm, giá trị của nó đã tăng gấp đôi. Ông nói: “Tôi có thể bán nó với giá cao hơn vài nghìn nữa nếu nó có điều hòa không khí.”
Một kỹ sư đã về hưu mua mẫu xe Lada những năm 1980s của Nga từ công ty nhà nước của ông vào năm 2000 với 160 USD, và bán nó vào năm ngoái với giá gấp gần 100 lần.
Những người Cuba hiểu rõ thị trường xe hơi cũ của họ điên rồ như thế nào. Panfilo, một diễn viên hài, còn phải đùa trên sóng truyền hình quốc gia rằng giá cả của ô tô đã qua sử dụng cao đến mức con sư tử của hãng Peugeot cũng phải cảm thấy “bó tay”.
K Nguyễn