Thị trưởng Nagasaki kêu gọi thế giới xóa bỏ vũ khí hạt nhân
Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue. (Ảnh: Getty Images)
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm thường niên ở Công viên Hòa bình Nagasaki, ông Taue cho biết: các khuôn khổ mới để ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân là cần thiết, vì tương lai của toàn nhân loại.
"Đây là thời điểm cho tất cả các bạn hành động bằng cách tập trung trí tuệ tập thể hết sức có thể" - Thị trưởng Taue nhấn mạnh trong bài phát biểu Tuyên bố Hòa bình của mình.
Đề cập tới phiên làm việc của Liên Hợp Quốc về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân được tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Taue cho rằng, việc tạo các diễn đàn nhằm đề ra các biện pháp xóa bỏ vũ khí hạt nhân là "một bước tiến lớn".
Tuy vậy, ông Taue lưu ý rằng: rất nhiều cường quốc hạt nhân vẫn đang "vắng mặt" trong các cuộc tranh luận. Nếu không có sự tham gia của họ, việc thống nhất lộ trình bãi bỏ vũ khí hạt nhân sẽ không đạt được kết quả - ông Taue nhận định.
Bên cạnh đó, Thị trưởng Taue chỉ trích chính sách "mâu thuẫn" của chính phủ Nhật Bản: ủng hộ việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng lại dựa vào Mỹ để răn đe hạt nhân.
Ông Taue kêu gọi chính phủ tuân thủ "3 nguyên tắc phi hạt nhân": không sản xuất, sở hữu hoặc cho phép vũ khí hạt nhân xuất hiện trên lãnh thổ Nhật Bản; đồng thời hướng tới một khu vực Đông - Bắc Á không có vũ khí hạt nhân, không có răn đe hạt nhân.
Xúc động nhắc đến chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thành phố Hiroshima - nơi quân đội Mỹ thả bom nguyên tử năm 1945, Thị trưởng Taue hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới tới thăm Nagasaki và Hiroshima để có thể tận mắt chứng kiến hậu quả của bom nguyên tử.
Buổi lễ kỷ niệm 71 năm Nagasaki bị ném bom nguyên tử. (Ảnh: Japan Times)
Trong khi đó, ông Toyokazu Ihara (80 tuổi), đại diện cho những người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử (được gọi là Hibakusha) cũng kêu gọi chính phủ Nhật Bản không dựa vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ, và hối thúc các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thông qua chính sách không sử dụng loại vũ khí này.
"Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ giữ một vị trí danh dự trong phong trào cấm vũ khí hạt nhân" - ông Ihara phát biểu. Khi Nagasaki bị thả bom nguyên tử, ông mới chỉ 9 tuổi và ở cách trung tâm vụ nổ khoảng 6,5km. Sau đó, mẹ, em gái và anh trai của ông Ihara đã thiệt mạng.
Ông Miyako Takashima (88 tuổi) - người mất đi mẹ, chị gái và em trai trong vụ nổ bom nguyên tử năm 1945 - xúc động chia sẻ: "Tôi đang cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tôi tin rằng, vũ khí hạt nhân sẽ được loại bỏ nếu người dân thế giới tưởng tượng ra được hậu quả mà một cuộc ném bom nguyên tử sẽ gây ra".
Theo ước tính, có khoảng 74.000 người thiệt mạng vào cuối năm 1945 do hậu quả của quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Nagasaki vào 11g02p ngày 9/8 năm đó (giờ địa phương).
Trong khi đó, số đối tượng Hibakusha chính thức còn sống tính tới tháng 3 vừa qua là 174.080 người, với độ tuổi trung bình khoảng 80,66. Theo chính quyền thành phố Nagasaki, 3.487 người thuộc nhóm đối tượng này đã chết trong những năm qua.
Hồng Anh