Thị trường còn bấp bênh, nhà đầu tư "bắt dao rơi" mang tâm trạng thấp thỏm
Định vị thị trường
Đà hồi phục vẫn còn hiện diện ở một số chỉ số chứng khoán châu Á như HSI (+1,92%), TWSE (+0,97%), NIKKEI 225 (+0,3%), STI (+1,34%), SET (+0,75%) trong khi các chỉ số SZI (-0,61%), SHCMP (-0,74%), KOSPI (-0,24%) lại đóng cửa trong sắc đỏ.
Sự phân hóa nhẹ của các chỉ số khu vực khiến cho VN-Index chưa hoàn toàn có sự cân bằng trở lại. Chỉ số vẫn còn chứng kiến sự triệt tiêu thành quả hồi phục trong phiên đầu tuần và vẫn đang dao động quanh đường MA200.
Chất xúc tác
Hoạt động bơm rút 2 chiều của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) vẫn đang liên tục được duy trì. Trong phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Đã có 8.562,5 tỷ đồng trúng thầu, có 11.999,9 tỷ đồng đáo hạn.
Trong khi đó, cũng có 3.550 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,73% và 7.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn phiên hôm qua. Tổng cộng, NHNN bơm ròng 212,6 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 62.800 tỷ đồng, trên kênh cầm cố giảm xuống mức 29.427,7 tỷ đồng.
Tình trạng hụt thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng đang tồn tại khi HOSE có phiên thứ 2 liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 10,8% giao dịch 2 chiều còn nhà đầu tư nội chiếm gần 90%.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị ròng trên HOSE đạt gần 300 tỷ đồng với các mã VHM (-177 tỷ đồng), DIG (-58 tỷ đồng), MSN (-50,36 tỷ đồng) chịu nhiều áp lực nhất.
Vận động thị trường
Trong phiên thứ Sáu tuần trước, không ít nhà đầu tư đã tranh thủ "bắt dao rơi" khi VN-Index giảm về ngay đường xu hướng dài hạn. Ở phiên chiều nay, lượng cổ phiếu được mua vào đã về tài khoản giao dịch.
Tuy nhiên, vận động của VN30 cho thấy những đặc điểm kém ổn định từ sau 14h khiến các vị thế nắm giữ cổ phiếu chưa hoàn toàn tự tin. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn có những mã giảm giá trở lại như MBB (-2,7%), SHB (-2,7%), CTG (-2,5%), BID (-1,4%), TPB (-1,4%) phải quay về vùng nền đầu năm 2024.
Ngoài ra, các mã lớn như BCM (-4,2%), GVR (-3,8%), MSN (-3,8%), VHM (-3%), VIC (-2,4%) cũng tạo ra nhiều áp lực cuối phiên. Số lượng các mã tăng trong VN30 chỉ là thiểu số với 6/30 mã ghi nhận sắc xanh trong đó MWG (+2,47%) và TCB (+2,1%) là 2 mã nỗ lực đi ngược thị trường.
VN-Index chịu sự định hướng rất lớn từ VN30, đã bị mất đi gần hết nỗ lực hồi phục của phiên đầu tuần. Chỉ số giảm 12,82 điểm xuống 1.177,4 điểm (-1,08%).
Các cổ phiếu Chứng khoán đã hồi phục mạnh nhất phiên đầu tuần cũng chịu áp lực theo với AGR (-6,8%), CTS (-5,5%), BSI (-3,8%), VCI (-3,6%), VIX (-3,5%), ORS (-3,4%), VND (-2,5%), SSI (-1,7%), FTS (-1,7%) đóng cửa trong sắc đỏ.
Ở nhóm Thép, Bất động sản, Bán lẻ, một số cổ phiếu đóng cửa dưới cả mức thấp nhất trong phiên thứ Sáu như TCH (-4,28%), PDR (-5,07%), DIG (-4,63%), NKG (-6,8%), PET (-3,6%) cho thấy áp lực bán ra vẫn còn.
Do đó, vùng cân bằng mới của VN-Index sẽ còn cần thêm thời gian để loại bỏ đi hết các áp lực rút lui của dòng tiền. Đặc biệt với trạng thái thanh khoản không cao, quá trình này sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới đây. Tổng giá trị giao dịch của HOSE khi đóng cửa đạt 17.488 tỷ đồng, tương đương 778 triệu đơn vị.
Trên HNX và UPCoM, nhiều cổ phiếu như CEO (-4,9%), BVS (-3,1%), PLC (-2,9%), SHS (-2,7%), MBS (-2,2%), DRI (-9,4%) cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Tổng giá trị giao dịch của sàn chỉ đạt hơn 1.800 tỷ đồng.